Kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024: Giải pháp nào để 'về đích'?
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 dù nhiều thách thức nhưng nhìn chung vẫn sẽ ở mức trên 6% và lạm phát sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu 4,5%.
Mặc dù Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào danh sách một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024 nhưng những thách thức đối với kinh tế Việt Nam trên chặng về đích vẫn còn ở phía trước.
Nhiều rào cản trên 'chặng về đích'
Theo cảnh báo của nhiều định chế tài chính lớn, kinh tế thế giới trong nửa cuối năm tiếp tục đối mặt với các rủi ro như mặt bằng lãi suất cao, nguy cơ lạm phát quay trở lại, chính sách đồng USD mạnh...
Bên cạnh đó, các căng thẳng địa chính trị lại đang gây gián đoạn chuỗi cung ứng và các hoạt động thương mại, từ đó đặt ra rào cản đối với tăng trưởng của Việt Nam - nền kinh tế có độ mở lớn.
Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - cho biết trong 6 tháng vừa qua, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,6% nhưng tỷ giá bình quân của các ngân hàng thương mại đã tăng 5%, còn thị trường tự do tăng nhiều hơn. Vì vậy, đây là sức ép lên thị trường tiền tệ cũng như ngoại hối của Việt Nam.
Ông Paulo Medas - Trưởng Đoàn tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của IMF, cũng cảnh báo Việt Nam đang giữ lãi suất ở mức rất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì vậy, nếu lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao như hiện nay, điều này có thể tạo thêm nhiều áp lực khiến đồng nội tệ của Việt Nam mất giá nhiều hơn.
"Bên cạnh đó, xuất khẩu - động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam - cũng đang chịu những tác động bất lợi do tăng trưởng kinh tế toàn cầu không như kỳ vọng và căng thẳng địa chính trị làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu," Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân chỉ rõ.
Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS), các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và EU đều áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, chuyển đổi năng lượng hoặc truy xuất nguồn gốc của hàng nhập khẩu liên quan đến nguyên phụ liệu hoặc linh kiện từ nước thứ ba. Vì vậy, đối với nền kinh tế gia công và xuất khẩu nhiều như Việt Nam, đây sẽ là trở ngại lớn khi doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mất nhiều thời gian và chi phí hơn để làm việc với các nhà nhập khẩu.
Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho biết việc kiểm soát lạm phát năm 2024 sẽ khó hơn năm 2023 do lạm phát tại Việt Nam hiện nay còn chịu tác động rất lớn của một số thị trường, nhất là thị trường tài sản như bất động sản và vàng.
Cân bằng phục hồi kinh tế với kiểm soát lạm phát
Việt Nam đã có nhiều chính sách hiệu quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam phải cân bằng giữa phục hồi kinh tế với quản lý rủi ro lạm phát.
Ông Paulo Medas cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hành động trong trường hợp lạm phát tăng cao.
Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối sẽ tạo ra các hành lang giao thông và các động lực tăng trưởng kinh tế mới cho nền kinh tế.
Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân cho biết hiện chính sách thuế giá trị gia tăng tiếp tục được đề xuất thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024 ở mức giảm 2%. Từ ngày 1/7, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua việc cắt giảm 36 loại thuế, phí. Đây chính là các giải pháp linh hoạt, chủ động, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng, mà còn giúp kiểm soát lạm phát.
"Tuy nhiên, cùng với các chính sách điều hành vĩ mô như vậy, việc tăng cường dự báo chính xác những biến động từ thị trường quốc tế để nhận diện sớm các tác động tiêu cực đến thị trường, từ đó có các biện pháp điều chỉnh can thiệp, kịp thời là thực sự cần thiết," Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân khẳng định.
"Ở góc độ xuất khẩu, bên cạnh việc có các chính sách vĩ mô tăng cầu tiêu dùng, việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, nới rộng danh mục hàng hóa xuất khẩu bên cạnh những mặt hàng truyền thống chính là giải pháp hiệu quả để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, trước các diễn biến của cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với giới chuyên gia và các cơ quan hoạch định chính sách trong việc tham vấn cấp cao với phía Mỹ và các cơ quan liên quan đồng cấp là rất quan trọng để có các phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp với những thay đổi lớn về chính sách kinh tế và các trọng tâm ưu tiên thương mại của Mỹ, từ đó duy trì được mục tiêu tăng trưởng cả năm cũng như trong trung và dài hạn," Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành khuyến nghị.
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 dù nhiều thách thức nhưng nhìn chung vẫn sẽ ở mức trên 6% và lạm phát sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu 4,5%. Đây cũng là nhận định khá tương đồng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6% và lạm phát ổn định ở mức 4%./.
Ý kiến ()