Kinh tế Việt Nam có trong ngưỡng an toàn không?
GS. TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có gửi tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bài viết đánh giá về kinh tế nước ta hiện nay. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này như là một kênh thông tin để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Ảnh minh họa (Ảnh: chinhphu.vn) |
Một là, nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng, xử lý nợ xấu chậm, tăng trưởng tín dụng thấp.Tháng 3 năm 2012, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu là 4,47%, theo Thanh tra ngân hàng nhà nước là 8,6%, theo Moody's là 15% tồng tài sản ngân hàng. Do sợ tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng định lại giá trị của tài sản thế chấp và hạ thấp hạn mức cho vay, khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng. Đáng lẽ các ngân hàng phải thẩm định các dự án khả thi để tăng cho vay theo tín chấp, nhưng cũng vì lo nợ xấu nên hoạt động này rất hạn chế. Bởi vậy, mà tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào. Để đảm bảo an toàn vốn, nhiều ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu chính phủ, nên càng nhiều doanh nghiệp không vay được vốn phải dừng hoạt động. Đến tháng 8/2014, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ là 4,07%.
Theo số liệu được công bố, 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp mới thành lập nhiều hơn số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động. Nhưng những doanh nghiệp mới này phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, vốn đăng ký thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp dừng hoạt động và phải một thời gian nữa mới có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP và tăng thu ngân sách, nên chưa góp phần giải quyết khó khăn.
Hai là, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ ngày càng lớn. Số liệu về nợ công khác nhau. Theo số liệu của Bộ Tài chính, nếu bội chi ngân sách năm 2015 là 5% GDP, thì cuối năm 2015, dư nợ công sẽ là 64% GDP. Nhưng có ý kiến cho rằng, nếu tính cả nợ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước thì nợ công đã lên tới trên 100% GDP.
Theo lý thuyết thì tỷ lệ nợ công trên dưới 60% GDP là vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng trong thực tiễn, mức an toàn nợ công tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, vào khả năng trả nợ. Có nước tỷ lệ nợ công trên 200% GDP nhưng vẫn an toàn. Trái lại, có nước tỷ lệ nợ công chỉ 15% GDP mà đã lâm vào khủng hoảng nợ. Ở nước ta, đáng lo ngại là nợ phải trả tăng nhanh, năm 2013 chỉ chiếm 22,5% tổng thu NSNN, năm 2014 đã lên 25,5% (có số liệu là 26,7%); ước tính năm 2015 có thể tới 30%. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước khó khăn, tốc độ tăng thu giảm, tỷ lệ chi đầu tư phát triển giảm (năm 2012 là 27,5%, năm 2014 còn khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước) mà chi thường xuyên vẫn tăng (từ 61,5% năm 2011 lên trên 70% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2014).
Ba là, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chủ quan, chưa tính tới cầu có khả năng thanh toán của những người đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Quy định đến 31/12/2015 phải cổ phần hóa xong 432 doanh nghiệp, vậy đã điều tra xem nhu cầu có khả năng thanh toán của các nhà đầu tư vào chứng khoán kể cả trong nước và ngoài nước, là bao nhiêu? Liệu những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả có tìm được người mua cổ phiếu hay không, dù có hạ thấp giá cổ phiếu?
9 tháng đầu năm 2014 mới sắp xếp được 76 doanh nghiệp (trong đó có 55 doanh nghiệp cổ phần hóa). Quý I và quý II năm 2014, các doanh nghiệp nhà nước chỉ bán được 27% số cổ phiếu chào bán, không ít doanh nghiệp chỉ bán được 2% số cổ phiếu chào bán. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước đến nay cũng mới được khoảng 20%.
Bốn là, vẫn còn coi nhẹ nông nghiệp, để kinh tế nông hộ tự bơi với cơ chế thị trường.
Trước đổi mới, nóng vội cải tạo kinh tế cá thể, còn bây giờ lại để kinh tế nông hộ, phân tán, manh mún, tự bơi trong kinh tế thị trường, do đó mà đầu tư vào nông nghiệp thấp. FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng số vốn. Có một doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng, chỉ cần 5ha mà phải tự thương lượng với 100 hộ để thuê ruộng. Muốn lên kinh tế thị trường hiện đại mà để cái biển mênh mông của sản xuất nhỏ, cá thể trong nông nghiệp thì có lên được không? Mặc dù trong nông nghiệp, ưu thế về quy mô sản xuất có một giới hạn nhất định và hình thức nông nghiệp gia đình mang tính kế thừa vẫn có một vai trò đáng kể, nhưng nhìn chung với những điều kiện khác như nhau, thì sản xuất hàng hóa lớn vẫn có ưu thế hơn sản xuất nhỏ và mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường, Bởi vậy, các nước đều coi trọng những hình thức hợp tác xã hay liên kết giữa các nông hộ hoặc trang trại, để có thể kinh doanh theo cơ chế thị trường hiện đại.
Năm là, đầu tư công còn tràn lan, hiệu quả thấp, lãng phí nghiêm trọng, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn,kể cả trung ương, tỉnh, huyện, thậm chí cả một số xã cũng nợ xây dựng cơ bản, vì dự định dùng tiền đấu giá quyền sử dụng đất để trả nợ, nhưng giá bất động sản xuống không thực hiện được. Nhiều dự án chưa cấp thiết, nhiều dự án hoàn thành xong đắp chiếu, nhất là xây trụ sở khang trang tràn lan. Nhiều dự án chậm tiến độ, vốn đầu tư vượt dự toán ban đầu tới 40-50%, thậm chí cao hơn.
Sáu là, vẫn mắc căn bệnh quá ham xây dựng nhiều công trình quy mô lớn, dài hạn trong cùng một thời gian.
Phân tích tái sản xuất và lưu thông tổng sản phẩm xã hội trong kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã rút ra kết luận: Trong một nền kinh tế sản xuất có tính chất xã hội thì phải tính toán, ấn định tỷ lệ hợp lý những dự án kinh doanh lớn có tính chất lâu dài, vì những dự án này đòi hỏi phải ứng ra một số tiền lớn cho một thời gian khá lâu để hút sức lao động và tư liệu sản xuất, nhưng suốt thời gian đó lại chưa cung cấp một sản phẩm có ích nào cả. Nếu quá nhiều dự án lớn sẽ gây rối loạn trên thị trường tiền tệ. Và những sự rối loạn trên thị trường tiền tệ lại làm cho chính những dự án lớn ấy bị đình đốn, nhất là những dự án dựa vào tín dụng. Thế nhưng, dường như ở nước ta chưa quan tâm đến tỷ lệ hợp lý nói trên.
Bảy là, tính tự chủ của nền kinh tế nước ta chưa bền vững.
Trong quá trình hội nhập quốc tế tất yếu sẽ diễn ra sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhưng phải tránh sự lệ thuộc một chiều, hay quá lệ thuộc vào một đối tác nào đó. Nhưng hiện nay, tình trạng lệ thuộc một chiều của nước ta vào bên ngoài có xu hướng tăng lên và do công nghiệp phụ trợ yếu kém, nên không biến được ngoại lực thành nội lực. Thí dụ: 70% nguyên liệu và phụ liệu của ngành may mặc lệ thuộc vào bên ngoài; tỷ lệ nội địa hóa một số ngành hàng không đạt (sau 20 năm phát triển, ngành ô tô vẫn chỉ lắp ráp; hãng Toyota mới chỉ nội địa hóa được 7% giá trị xe so với cam kết là 30% sau 10 năm; Suzuki nội địa hóa 3% so với giấy phép là 38,2% vào 2006).
Các doanh nghiệp trong nước yếu kém, chưa tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của những sản phẩm hiện đại ngay ở trong nước (như không doanh nghiệp nào đủ khả năng nhận cung cấp linh kiện cho tập đoàn SamSung) chứ chưa nói trên toàn cầu.
Tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào FDI, tăng giải ngân ODA, tăng khai thác dầu thô. Khu vực FDI chiếm tới 70% giá trị sản phẩm công nghiệp và 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng cục Thống kê vừa công bố: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2014 , Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, cả nước xuất siêu 2,5 tỷ USD, nh ư ng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 12,7 tỷ USD, còn khu vực trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.
Tám là, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 đề ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhưng hầu như chưa thực hiện được, vì thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, đầu tư cho R&D của cả Nhà nước và các doanh nghiệp rất ít…, nên trình độ công nghệ lạc hậu, năng suất lao động rất thấp, nguy cơ tụt hậu xa hơn…
Theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế chuyển biến chậm. Trình độ công nghệ lạc hậu (phần lớn máy móc, thiết bị của khu vực trong nước thuộc các thế hệ những năm 1950 – 1960, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới). Tính chung thiết bị hiện đại chỉ chiếm 10%, trung bình 38%, lạc hậu và rất lạc hậu tới 52%. Riêng những doanh nghiệp nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu chiếm tới 75%.
Để khắc phục tình trạng yếu kém của nền kinh tế, cần phải giao cho các viện nghiên cứu tìm giải pháp khả thi, mặt khác phải làm ngay mấy việc cấp bách sau đây:
Thứ nhất,hướng các ngân hàng thương mại nâng cao trình độ thẩm định các dự án khả thi và tăng cho vay theo tín chấp để cứu các doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh hiệu quả.
Thứ hai, tăng cường kỷ luật tài chính, thắt chặt đầu tư công, giảm mạnh chi thường xuyên, trừng phạt nghiêm những cán bộ gây lãng phí do quyết định đầu tư sai vào những công trình chưa cấp thiết.
Thứ ba,Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tính toán, quy định một tỷ lệ hợp lý những dự án quy mô lớn, dài hạn trong mỗi thời kỳ.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()