Kinh tế Việt Nam 2016 tiếp tục phục hồi
Đó là nhận định được đưa ra tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015 cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới" do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ngày 13/1, tại Hà Nội.
Theo PGS. TS Tô Trung Thành (Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng gia tăng nhờ các quốc gia phát triển. Việt Nam có thể là một sự lựa chọn đầu tư sáng giá. Kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục phục hồi.
Việt Nam sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón nhận các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do trong gia tăng xuất nhập khẩu, thu hút vốn. Xuất khẩu năm 2016 được dự báo tăng trưởng khá về số lượng, nhưng tăng chậm hơn về giá trị do giá thế giới giảm đối với một số hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cao su, cà phê, gạo, cá tra, cá basa…. Chưa có nhiều đột biến về số lượng xuất khẩu trong năm 2016 do hầu hết các FTA mới chưa có hiệu lực (chưa được giảm thuế). Trong các thị trường chính, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng khá do sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng khá do việc hình thành AEC từ cuối năm 2015. Nhập khẩu trong năm 2016 tăng nhanh, đặc biệt là nhóm hàng máy móc, thiết bị để xây dựng các nhà máy sản xuất chuẩn bị cho các FTA mới có hiệu lực – PGS, TS Tô Trung Thành cho biết thêm.
PGS, TS Trần Kim Chung (Phó Viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương) cũng đánh giá, cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục xu thế của năm 2015. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2016 tương đương mức của năm 2015. Số vốn thoái ra ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty nhà nước cao hơn mức của năm 2015. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định còn nhiều thách thức, bởi năm 2016, chính sách tiền tệ thu hẹp, tỷ giá có thể điều chỉnh theo xu hướng gia tăng. Giá một số mặt hàng sẽ có hướng gia tăng trong năm nay. Sức ép nợ công gia tăng, việc sử dụng quỹ ngoại hối, vấn đề nợ xấu chưa được giải quyết triệt để. Việt Nam khó vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu do năng suất lao động thấp, thiếu lao động có kỹ năng và lành nghề nên khó thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, thiếu vắng sự tham gia của khu vực tư nhân do doanh nghiệp tư nhân còn yếu. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như những hỗ trợ của ban, ngành liên quan trong đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()