Kinh tế U-crai-na cận kề bờ vực sụp đổ
Gần một năm chìm trong khói lửa giao tranh và mắc kẹt trong thế đối đầu giữa Nga và phương Tây, nền kinh tế U-crai-na đang hứng chịu những tổn thất nặng nề như: đồng nội tệ rớt giá nghiêm trọng, dự trữ ngoại tệ giảm sút... và chênh vênh bên bờ vực phá sản.
Nhằm giúp quốc gia Đông Âu thoát khỏi tình trạng nguy cấp trước mắt, Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ dự kiến tổ chức một hội nghị bàn về việc huy động nguồn tài trợ cho Ki-ép vào tháng 4-2015.
Từ đầu tháng 2-2015, thị trường tài chính của U-crai-na “chao đảo” khi đồng nội tệ mất giá 30% và tụt xuống mức thấp kỷ lục mới so đồng USD. Cùng với đó, dự trữ ngoại tệ nước này giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, chỉ còn 6,4 tỷ USD. Xung đột triền miên tại khu vực miền đông – nơi từng là trung tâm công nghiệp hàng đầu của U-crai-na, đang tàn phá nặng nề nền kinh tế nước này. Bộ trưởng Tài chính U-crai-na N.Y-a-re-xcô cho biết, mỗi ngày, các cuộc giao tranh tại miền đông “ngốn” của chính quyền Ki-ép từ năm đến mười triệu USD. Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô cũng từng thừa nhận, chi phí bỏ ra cho chiến tranh là “một áp lực rất lớn” đối với Ki-ép và khẳng định “không một nước nào trên thế giới có thể bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong khi diễn ra một cuộc chiến như vậy”. Các cuộc giao tranh ác liệt còn phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng; các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước ở miền đông bị ra lệnh đóng cửa. Theo Ngân hàng Trung ương U-crai-na, năm 2014 là năm khó khăn nhất của U-crai-na kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay khi tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm qua đã giảm 7,5%.
Chiến sự leo thang kéo theo một nền kinh tế ốm yếu, kiệt quệ, chênh vênh bên bờ vực sụp đổ khiến các nhà lãnh đạo U-crai-na không khỏi lo âu.
Chính quyền Ki-ép đã khẩn thiết kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các nước phương Tây tăng cường viện trợ tài chính và quân sự. Theo đó, U-crai-na mong muốn IMF mở rộng gói cứu trợ tài chính trị giá 17 tỷ USD từng được tổ chức này thông qua. Theo nhận định của IMF, 17 tỷ USD là không đủ để U-crai-na có thể xoay chuyển tình hình “bi đát” hiện tại và đất nước Đông Âu này còn cần thêm 15 tỷ USD nữa mới không rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đáp lại những nỗ lực cứu vãn tình hình của Ki-ép, EU và Mỹ dự kiến tổ chức một hội nghị vào tháng 4-2015 nhằm huy động nguồn tài trợ ít nhất là 15 tỷ USD để giúp U-crai-na thoát khỏi tình trạng phá sản và tái thiết đất nước. Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách chính sách láng giềng G.Han cho biết, thời gian và nội dung chi tiết của hội nghị trên sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ Ki-ép đệ trình một danh sách đầy đủ về nhu cầu đầu tư của mình. Hiện tại, các nhà tài trợ lớn của U-crai-na bao gồm Mỹ, EU và IMF đều yêu cầu nước này phải thực hiện cam kết chống tham nhũng và quan trọng nhất là giảm chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng nói là, mặc dù chấp nhận thực hiện các yêu cầu này để nhận được viện trợ song những cải cách hiện nay ở U-crai-na vẫn chưa có bước tiến đáng kể, nhất là khi chính phủ đang tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ cho chiến dịch quân sự kéo dài nhiều tháng qua tại khu vực miền đông.
Khó khăn lại tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế vốn kiệt quệ của đất nước bên bờ Biển Đen khi Nga đã “đánh tiếng” với U-crai-na về việc hoàn trả khoản nợ tín dụng trị giá ba tỷ USD mà Mát-xcơ-va cho Ki-ép vay hồi năm 2013. Đây vốn không phải điều bất ngờ đối với Ki-ép, bởi trước đó, nhiều lần Tổng thống Nga V.Pu-tin đã nhắc tới khả năng siết nợ quốc gia láng giềng. Mới đây, “xứ sở bạch dương” vừa triển khai chương trình kích thích nền kinh tế trị giá 34,7 tỷ USD nhằm tập trung giải cứu các ngân hàng và tập đoàn lớn.
Giới chuyên gia nhận định, nếu Nga thu hồi nợ từ U-crai-na, quốc gia Đông Âu này chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, bởi với nền kinh tế èo uột hiện tại, U-crai-na không đủ khả năng hoàn trả ba tỷ USD nếu như không có sự trợ giúp từ quốc tế.
Bất chấp các nỗ lực cứu vãn tình hình của chính quyền Ki-ép, nền kinh tế U-crai-na vẫn từng bước tiến sát bờ vực sụp đổ. Xung đột cùng sự tranh giành ảnh hưởng không hồi kết của các cường quốc trên “chiến trường” U-crai-na đang khiến đất nước hơn 45 triệu dân ngày càng tụt hậu và chắc chắn rằng, Ki-ép sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức mới có thể tái thiết nền kinh tế đang bị tàn phá nặng nề.
Theo Nhandan
Ý kiến ()