Kinh tế Trung Quốc trên đà giảm tốc
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu giảm sút trong tháng 8, mức giảm thấp nhất trong vòng 17 năm trước khi Mỹ áp đặt mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm.
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 4,4% trong tháng trước, giảm so với mức 4,8% trong tháng 7, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 2/2002, thấp hơn mức dự đoán được các nhà phân tích đưa ra là 5,2% trong cuộc khảo sát trước đó của hãng Bloomberg.
Một loạt dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia (NBS) công bố ngày 16/9 cũng cho thấy mức tăng doanh số bán lẻ, chỉ số đánh giá mức tiêu dùng của các hộ gia đình ở quốc gia đông dân nhất thế giới, tăng 7,5%, giảm 0,1% so với tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 4. Con số này cũng thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích đưa ra là 7,9%.
Đầu tư vào tài sản cố định chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm là 5,5% trong 8 tháng đầu năm 2019, thấp hơn 0,2% so với 7 tháng đầu năm. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2018.
Cũng theo số liệu được NBS công bố, lĩnh vực sản xuất và khai mỏ đều giảm. Sản xuất tăng 4,3% trong tháng 8, giảm 0,1% so với tháng 7 và 0,9% so với tháng 6. Sản lượng khai mỏ tăng 3,7% trong tháng 8, giảm 2,9% so với tháng 7.
Theo Bloomberg, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2019 của Trung Quốc giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 5,6%.Trong đó, lượng hàng xuất khẩu đến Mỹ giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 2,2%, còn nhập khẩu giảm 6,4%.
Cách đây đúng 2 tháng, NBS công bố số liệu cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II/2019 chỉ đạt 6,2%, giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Tốc độ tăng trưởng trên vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019, song thấp hơn mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2019.
Nền kinh tế lớn thế hai thế giới đang phải vật lộn với sự giảm tốc từ thương chiến với Mỹ, cũng như nước này đang phải đối mặt với những thách thức từ các khoản nợ ở thị trường nội địa.
Cũng theo số liệu được NBS công bố ngày 10/9, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 8, cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 3 năm.
Theo đó, chỉ số PPI tháng 8 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2016. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất PPI là một chỉ tiêu tương đối phản ánh xu hướng và đo lường mức độ biến động giá bán của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu trên thị trường sơ cấp vào một thời kỳ (thường là tháng) này so với thời kỳ khác.
Trước tình hình nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp tăng cường nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) vào ngày 16/9 nhằm bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính, giữa bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung đang ngày càng leo thang.
Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong vòng 8 tháng và mức cắt giảm này sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng tới. Động thái này sẽ bơm thêm 900 tỷ nhân dân tệ (126 tỷ USD) cho hệ thống tài chính./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()