Kinh tế Trung Quốc phục hồi, chỉ bất động sản vẫn ảm đạm
Doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định, sản lượng công nghiệp,... của Trung Quốc đều khởi sắc trong 2 tháng đầu năm, chỉ riêng bất động sản vẫn phủ gam màu u ám.
Mặc dù Trung Quốc liên tục nới lỏng các chính sách bất động sản, nhưng các khoản đầu tư liên quan vẫn tiếp tục gặp khó khăn và giảm 9% trong hai tháng đầu năm nay.
Các khoản đầu tư bất động sản trong năm 2023 đã giảm 9,6% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Louise Loo, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Oxford Economics, đánh giá: "Các chỉ số hoạt động của bất động sản vẫn đi theo chiều hướng tồi tệ".
Ngược lại, hầu hết các lĩnh vực kinh tế khác của Trung Quốc đều có dấu hiệu khởi sắc. Doanh số bán lẻ của nước này trong hai tháng đầu năm 2024 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính của nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc Wind là 5,4%.
Trước đó, doanh số bán lẻ đã tăng trưởng ở mức 7,4% trong tháng 12.
Louise Loo cho biết: "Sự phấn khích của người tiêu dùng được thúc đẩy bởi chi tiêu liên quan đến dịp lễ tết vào đầu năm nay".
Huang Zichun, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng sự sụt giảm doanh số bán lẻ so với tháng 12/2023 phần lớn là do cơ sở so sánh cao hơn, khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng vọt vào năm ngoái nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Lynn Song, nhà kinh tế trưởng phụ trách Đại Trung Quốc tại ING, cho biết chủ đề "ăn, uống và vui chơi" đã có màn khởi đầu trong năm mạnh mẽ khi doanh thu trong lĩnh vực ăn uống, thuốc lá và rượu bia đều tăng.
Lynn cho biết thêm doanh số bán lẻ đồ dùng thể thao và giải trí cũng tăng cao hơn so với mức tăng trung bình, trong khi doanh số bán thiết bị liên lạc và ô tô có khởi đầu vững chắc trong năm.
Doanh số bán lẻ trực tuyến cũng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với mức trung bình, bất chấp việc doanh số bán lẻ đồ gia dụng và nội thất có khởi đầu yếu trong năm do lĩnh vực bất động sản yếu kém hạn chế nhu cầu.
Tổng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc cũng tăng 4,2% trong hai tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 3% trong tháng 12/2023.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục cải thiện trong hai tháng đầu năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6,8% trong tháng 12.
"Sau khi điều chỉnh theo tính mùa vụ, các tính toán của chúng tôi cho thấy tốc độ tăng trưởng sản lượng duy trì tốt ở mức 0,5% so với tháng trước, nhờ sức mạnh xuất khẩu gần đây", chuyên gia kinh tế Huang nói.
ING đánh giá tín hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến rất nhiều, với các lĩnh vực tăng trưởng chính được ghi nhận trong nhóm "máy tính, thiết bị truyền thông và thiết bị điện tử khác", trong khi sản xuất thiết bị vận tải cũng hoạt động mạnh mẽ.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị của Trung Quốc trong tháng 1 là 5,3%, so với mức 5,1% trong tháng 12/2023.
Với thanh niên nhóm tuổi 16 - 24, tỷ lệ thất nghiệp đã điều chỉnh (không tính người đang đi học) là 14,6%, so với mức 14,9% trong tháng 12/2023.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết dữ liệu thất nghiệp của thanh niên tháng 2 sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo chuyên gia Huang tại Capital Economics, tín hiệu phục hồi của Trung Quốc sẽ được duy trì trong những tháng tới nhờ sự gia tăng hỗ trợ chính sách được nêu tại đại hội toàn quốc vừa qua, nhưng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% của chính phủ "dường như vẫn đầy thách thức".
Ông nói: "Chúng tôi dự đoán đà kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách kích thích. Nhưng sự phục hồi này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do những thách thức cơ cấu tiềm ẩn của nền kinh tế".
Đồng quan điểm, chuyên gia Louise Loo cho biết dữ liệu hoạt động của Trung Quốc nhìn chung ổn định vào đầu năm, nhưng vẫn có lý do để tin rằng một số điểm sáng có thể "chỉ là nhất thời".
Bà nói: “Trong trường hợp không có biện pháp kích thích tiêu dùng mang tính quyết định trong năm nay, chúng tôi nghĩ Trung Quốc sẽ khó duy trì tốc độ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ”.
Nhà kinh tế Lynn Song tại ING chỉ ra "các tín hiệu lẫn lộn" từ dữ liệu, vì động lực kinh tế tổng thể vẫn còn yếu trong hai tháng đầu năm.
Bà cho biết bất động sản sẽ tiếp tục là lực cản đối với nền kinh tế, trong khi cần có các khoản đầu tư khác để bù đắp khoảng trống. Đồng thời, việc doanh số bán lẻ chậm lại cho thấy Trung Quốc sẽ khó chỉ dựa vào tiêu dùng trong năm nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.
Ý kiến ()