Kinh tế TP.HCM trở lại tăng trưởng: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2022 với các mục tiêu kiên quyết khắc phục những hạn chế.
Với tinh thần đánh giá, phân tích cụ thể các vấn đề còn tồn tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn đang gặp phải; trong đó, thành phố xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong quá trình khôi phục và phát triển để chủ động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cải thiện môi trường đầu tư
Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2022 với các mục tiêu kiên quyết khắc phục những hạn chế, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết đầu tư tư nhân hiện chiếm 80% vốn đầu tư xã hội, do đó thành phố luôn chú ý để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Hiện sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, cùng với các sở, ngành khác đang được Ủy ban Nhân dân thành phố giao thiết lập một cổng thông tin duy nhất để doanh nghiệp, người dân truy cập dễ dàng các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cung cấp thông tin đúng và kịp thời đến doanh nghiệp.
Trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhóm nhiệm vụ cải thiện chỉ số gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất. Đồng thời, thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng khác nhau.
Thành phố làm việc với Trung ương tháo gỡ một số dự án trọng điểm có vướng mắc kéo dài như Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) tạo hành lang pháp lý để các dự án có thể tiếp tục triển khai hoàn thành đưa vào sử dụng, có đóng góp chung vào kinh tế-xã hội.
Theo ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cũng chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết khuyến khích, mời gọi hình thành các dự án, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Cùng đó, đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa.
Trong tháng 3/2022, thành phố tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030. Thành phố đã tháo gỡ xong cho các dự án như Nhà máy liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị toàn diện Lemna của Công ty Cổ phần Vietstar; Nhà máy điện khí LPG Hiệp Phước của Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện lực Hiệp Phước; Khu Liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng; dự án Lotte Cinema Gold View của Tập đoàn Lotte…
Thành phố cũng đang tích cực tháo tháo gỡ, tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm đang tiến hành như Dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Dự án Công ty Liên doanh Cao ốc Sài Gòn Metropolitan Trách nhiệm hữu hạn….
Về cải thiện môi trường đầu tư, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Cùng đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng thế giới, đặc biệt là các xu hướng của thị trường thế giới nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố tập trung hỗ trợ về tín dụng; trong đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; thiết kế sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn.
Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách mới của Chính phủ. Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ 2 nhóm chủ yếu là giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 1/2022, các cơ quan chức năng của thành phố đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 577.392 khách hàng với dư nợ hiện tại 141.531 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 217.343 khách hàng với dư nợ hiện tại 6.343 tỷ đồng; cho vay mới hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ hiện tại 1.016.459 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng của thành phố cũng tiếp nhận và có kết quả xử lý đối với 878 trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch COVID-19. Qua đó, triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương theo tinh thần “đồng hành cùng phát triển, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp với cách thức đã và đang thực hiện trong những năm vừa qua.
Năm 2022, có 14 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 434.280 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/ năm đối với cho vay ngắn hạn, xoay quanh mức 9%/ năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ…
Đối với việc hỗ trợ mở rộng thị trường, ông Đào Minh Chánh cho hay thành phố thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Từ đó, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại. Đồng thời, tổ chức các hội thảo phổ biến, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.
Tại các buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn đồng hành với các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm định vị Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn là thành phố tiêu biểu của khu vực thông qua các chương trình đầu tư mang tính sáng tạo, tinh hoa và đột phá cao.
Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, Thành phố Hồ Chí Minh trở lại quỹ đạo tăng trưởng, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững với những kế hoạch, chương trình cụ thể trên cơ sở nền tảng mục tiêu đã được vạch ra từ Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, điều kiện mới hiện nay.
Ưu tiên các dự án cấp bách
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý để thành phố phục hồi và phát triển đột phá hơn trong những năm tiếp theo, thành phố cần tập trung triển khai hiệu quả 51 chương trình, đề án trong 3 Chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch không gian ngầm đô thị…
“Thành phố cần xem đây là khâu quan trọng, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh; tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế; chú trọng nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng với những biến động cả từ bên trong và bên ngoài; tận dụng có hiệu quả cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Để triển khai có hiệu quả các nội dung này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp danh mục dự án đầu tư công trong 4 năm từ 2022-2025. Theo đó, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, thành phố tiếp tục trình Chính phủ duyệt cho phép tăng vốn đầu tư công trung hạn 261.968 tỷ, cao hơn mức đã được Thủ tướng phê duyệt (142.557 tỷ đồng) giai đoạn 2022-2025.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định danh mục dự án đầu tư hạ tầng và dự kiến tương ứng với kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn đã được phê duyệt, bao gồm tiêu chí tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nhằm kích thích tổng cầu; tác động thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân theo nguyên tắc đầu tư công tạo “vốn mồi.”
Qua đó, thành phố cũng xác định ưu tiên triển khai thực hiện các đề án đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI; trong đó, đối với Chương trình đột phá đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên đầu tư cho đề án chuyển một số huyện thành quận, thành phố giai đoạn 2021-2030; chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chương trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025.
Đối với Chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị ưu tiên đầu tư cho các đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030; phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Đề án chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030; Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025 (khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu Công viên Phần mềm Quang Trung, mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo) và chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030; Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025.
Đối với Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên đầu tư cho đề án Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, gắn Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế; phát triển khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á; kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Để thực hiện mục tiêu này, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số; đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố, Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả; triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2) và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số của thành phố.
Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, Thành phố Hồ Chí Minh phải vượt qua một biến cố chưa từng có trong lịch sử, đại dịch COVD-19 đã làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, song cũng từ môi trường này, trong ứng phó với đại dịch, môi trường chuyển đổi số lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp và địa phương sử dụng công nghệ số để phục vụ phòng chống dịch và giảm thiểu tác động của đại dịch.
Phát triển bền vững
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Thành phố Hồ Chí Minh cần giải bài toán mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng để thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực phát triển, gồm đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, thu hút nguồn lực tri thức, giải phóng tiềm năng đất đai. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện hiệu quả các công việc với tốc độ cao. Bên cạnh đó, quan tâm hơn đến phát triển giao thông đường bộ, cao tốc, giao thông thủy, thậm chí là đường sắt.
Cùng đó, thành phố cũng phải nhanh chóng tháo gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách để sớm huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch, kết nối như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), hoàn thành Vành đai 3 để đưa phía Tây gần phía Đông; đầu tư Vành đai 4, đường ven sông Sài Gòn… để kết nối Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, với hệ thống sân bay quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Đặc biệt là chính sách thu hút tài năng, hỗ trợ tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển giao khoa học-kỹ thuật theo hướng tăng năng suất và hiệu quả.
Liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế số của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, đến 2025 kinh tế số Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%, ông Lê Minh Khái đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế, cần tiếp tục và việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và thành phố, không máy móc.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài của mình, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm như các dự án đường sắt đô thị; trong đó, tập trung khánh thành tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên trong thời gian sớm nhất để khai thác hiệu quả hạ tầng không gian ngầm để phát triển các dịch vụ về du lịch tham quan, vui chơi, giải trí. Đồng thời, có phương án tính toán điều chỉnh quy hoạch cục bộ và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả các khu đất dọc tuyến Metro.
Mặc khác, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Thương mại-mua sắm của cả nước và khu vực, kết nối Khu trung tâm Thương mại hiện hữu quận 1 với khu trung tâm mở rộng tại quận 7 và khu trung tâm Thương mại Thủ Thiêm.
Thành phố cũng tập trung triển khai chương trình hành động thu hút vốn trung dài hạn trong và ngoài nước thông qua dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, kết nối giữa Trung tâm Tài chính hiện hữu tại quận 1 và Trung tâm Tài chính đặt tại Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc thủ tục, điều kiện thanh toán để đưa sớm đưa dự án chống ngập vào hoạt động nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Trong kế hoạch thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt tập trung hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4; tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa thành phố và các địa phương lân cận.
Ngoài ra, triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), đẩy mạnh tiến độ khởi công tuyến cao tốc này để phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch nội địa. Mở rộng các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, các tuyến đường kết nối các tỉnh.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt, để kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiệu quả, nghiên cứu cơ chế phối hợp chung trên ba lĩnh vực quy hoạch và phát triển vùng đô thị; đào tạo, nguồn nhân lực, thị trường lao động và bảo vệ môi trường chung.
Với những mục tiêu rất cụ thể, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và những các làm sáng tạo, đổi mới của mình, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sớm trở lại mạnh mẽ hơn, có nhiều đóng góp to lớn hơn cho cả nước tinh thần Thành phố Hồ Chí Minh “vì cả nước, cùng cả nước,” bởi đầu tàu khởi động, tăng tốc tốt sẽ kéo con tàu vượt qua những khó khăn, thử thách./.
Ý kiến ()