Kinh tế thế giới tiếp tục 'thấm đòn' đại dịch COVID-19
Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ giảm 33% trong quý 2/2020, số liệu kém nhất kể từ 1947, còn nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức trong quý 2/2020 giảm 10,1% so với quý 1/2020.
Kinh tế Mỹ giảm 33% trong quý 2/2020.
Việc các quốc gia công bố số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm trong khi các doanh nghiệp dầu mỏ và hãng chế tạo máy bay hàng đầu thông báo kết quả kinh doanh kém lạc quan cho thấy, nền kinh tế thế giới đang tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi tiến trình hồi phục vẫn còn nhiều bất ổn.
Mỹ vừa công bố số liệu cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã giảm 33% trong quý 2/2020, số liệu kém nhất kể từ năm 1947. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức trong quý 2/2020 giảm 10,1% so với quý 1/2020.
Theo nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran của công ty bảo hiểm Allianz, số liệu GDP là “gương chiếu hậu” cho thấy tình hình nghiêm trọng hiện nay.
Các công ty dầu mỏ gặp nhiều khó khăn khi tình trạng phong tỏa nhằm chống dịch ở các nước đã khiến giá dầu thô giảm mạnh.
Công ty dầu mỏ Shell – công ty con của tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) – ngày 30/7 thông báo lỗ ròng 18,1 tỷ USD trong quý 2/2020.
Trong khi đó, hai công ty dầu khí Total (Pháp) và Eni (Italy) lần lượt công bố các mức lỗ ròng 8,4 tỷ euro (9,9 tỷ USD) và 4,4 tỷ euro (5,2 tỷ USD) trong quý 2/2020.
Ngành hàng không thế giới cũng chịu tác động tiêu cực từ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, với hoạt động đi lại bằng đường không bị ngưng trệ và sự hồi phục trở lại bình thường sẽ không thể diễn ra trước năm 2023.
Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus (châu Âu) ngày 30/7 cho hay đã ‘đốt” hơn 12 tỷ euro tiền mặt và lỗ ròng 1,9 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2020. Trước tình hình khó khăn hiện nay, Airbus dự định giảm 40% sản lượng máy bay.
Trước đó, ngày 29/4, đối thủ của Airbus là hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) thông báo lỗ 2,4 tỷ USD trong quý 2/2020 và dự kiến thu hẹp hoạt động sản xuất sau khi đã thông báo sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động của doanh nghiệp này.
Cùng chung tình trạng khó khăn trên, các nhà sản xuất ôtô cũng đang “chật vật” tìm cách tồn tại trong thời COVID-19.
Hãng chế tạo ôtô Renault (Pháp) thông báo lỗ 7,2 tỷ euro trong nửa đầu năm 2020 và có kế hoạch cắt giảm 15.000 việc làm. Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô Volkswagen (Đức) cũng ghi nhận mức lỗ trước thuế 1,4 tỷ euro trong nửa đầu năm nay.
Bất chấp những số liệu đáng quan ngại nói trên, một số nhà phân tích cho rằng sự hồi phục của các nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sẽ diễn ra trong thời gian tới cho dù chưa ổn định.
Nhà kinh tế Carsten Brzeski của ING dự đoán nền kinh tế Đức sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý 3/2020, song lộ trình hồi phục sẽ “không bằng phẳng và kéo dài.”
Còn Tân Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo cho rằng doanh nghiệp này sẽ có sự hồi phục tích cực sau những kết quả kinh doanh “ảm đạm” trên./.
Ý kiến ()