Kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp - Đâu là lời giải ?
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm năm qua (2008-2012), đã tác động toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia đã có những giải pháp khắc phục hậu quả, nhưng quá trình phục hồi vẫn chậm chạp. Vì thế, câu hỏi “vì sao” đang được các nhà nghiên cứu và dư luận quốc tế quan tâm.Từ mô hình phát triểnSau khi mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sụp đổ, thế giới còn lại mô hình kinh tế chiếm ưu thế là chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại. Sự thích nghi với những biến đổi mau lẹ của thế kỷ XX, mô hình này đã ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển với nhiều thành tựu nổi bật, những con rồng, con hổ về kinh tế xuất hiện như là một minh chứng cho sự “vĩnh hằng” của CNTB hiện đại.Lý thuyết về CNTB thích nghi, tự điều chỉnh ra đời là một bước tiến về nhận thức lý luận, tuy nhiên, con người lại phạm sai lầm là quá nhấn mạnh đến khả năng...
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ năm năm qua (2008-2012), đã tác động toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế – xã hội của nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia đã có những giải pháp khắc phục hậu quả, nhưng quá trình phục hồi vẫn chậm chạp. Vì thế, câu hỏi “vì sao” đang được các nhà nghiên cứu và dư luận quốc tế quan tâm.
Từ mô hình phát triển
Sau khi mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sụp đổ, thế giới còn lại mô hình kinh tế chiếm ưu thế là chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại. Sự thích nghi với những biến đổi mau lẹ của thế kỷ XX, mô hình này đã ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển với nhiều thành tựu nổi bật, những con rồng, con hổ về kinh tế xuất hiện như là một minh chứng cho sự “vĩnh hằng” của CNTB hiện đại.
Lý thuyết về CNTB thích nghi, tự điều chỉnh ra đời là một bước tiến về nhận thức lý luận, tuy nhiên, con người lại phạm sai lầm là quá nhấn mạnh đến khả năng tự thích nghi, mà quên mất tính tự phát TBCN.
Vào đầu năm 2008, cuộc khủng hoảng đã nổ ra từ nền kinh tế lớn nhất hành tinh là Mỹ, sau đó lan tỏa ra khắp thế giới. Người ta hy vọng rằng với tính chất chu kỳ của cuộc khủng hoảng thì chỉ trong một thời gian nền kinh tế thế giới lại có thể được phục hồi, nhưng thực tế diễn ra lại không như vậy.
Năm năm đã trôi qua nhưng kinh tế thế giới không chỉ phục hồi chậm chạp mà còn chứa đựng nhân tố tái khủng hoảng. EU, một trong những trung tâm kinh tế đang chìm trong cơn khủng hoảng nợ công; kinh tế Mỹ với nhiều gói kích thích tăng trưởng hàng ngàn tỷ USD nay vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan; các nền kinh tế mới nổi cũng đang bị chững lại với các dấu hiệu đáng quan ngại về tài chính, địa ốc và kinh tế “bong bóng”…
Những biểu hiện trên của kinh tế thế giới khiến nhân loại buộc phải đặt dấu hỏi về mô hình kinh tế thị trường của CNTB hiện đại. Với việc ứng dụng học thuyết “chủ nghĩa tự do mới” bằng hàng loạt chính sách đến nay liệu có còn thích hợp ?
Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình dựa vào cơ chế “tự điều chỉnh” đã dẫn đến đầu tư mở rộng tràn lan, thiếu kiểm soát, làm cho tài chính ngày càng bất ổn, “nợ xấu” tăng cao, khả năng thanh khoản yếu dần, thị trường “ảo” đi quá xa, khiến nền kinh tế trở thành “bong bóng” và nguy cơ sụp đổ cận kề, trước hết ở các trung tâm, sau đó lan ra kinh tế toàn cầu do tác động của toàn cầu hóa.
Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình kinh tế thị trường tự do thiếu sự kiểm soát của nhà nước đã bộc lộ những khiếm khuyết mang tính hệ thống, khiến CNTB hiện đại đã không thể tránh khỏi quy luật khủng hoảng kinh tế chu kỳ.
Đến nay, một số nghiên cứu của các học giả phương Tây đã có những dự đoán rằng, CNTB hiện đại có thể chỉ phù hợp với thế kỷ XX và hình như nó không còn đóng vai trò lịch sử trong thế kỷ XXI, nó không còn tương thích với những yêu cầu khách quan của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI.
Đến ứng dụng học thuyết
Học thuyết “Chủ nghĩa tự do mới” ra đời từ năm 1944 và đến năm 1947 thì thay thế học thuyết kinh tế của Keynes và trở thành chủ thuyết phát triển của CNTB hiện đại, chỉ thời gian không lâu nó đã trở thành mô hình phát triển của hầu hết các nước tư bản phát triển, và với vai trò chi phối nền kinh tế toàn cầu nhất là từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nước Mỹ trở thành siêu cường duy nhất.
Ngay từ năm 1992, cựu Tổng thống Mỹ, ông Richard Nixon đã dự báo: Thế kỷ XXI có thể là thế kỷ đầu tiên trong đó đa số nhân dân thế giới được hưởng tự do kinh tế, vì thế kỷ XX đã dạy cho chúng ta bốn bài học kinh tế lớn: “CNCS, CNXH, kinh tế do nhà nước chỉ huy không mang lại hiệu quả. Chỉ có thị trường tự do mới giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân và là động cơ của sự tiến bộ”.
Trên thực tế, “chủ nghĩa tự do mới” đã được thực hiện một cách có chủ đích nhằm tước bỏ các công cụ và chế độ hỗ trợ cho những người nghèo, kẻ yếu; nó dồn tiền của, sức lực cho những nhà tư bản lớn nhân danh mở rộng tái sản xuất để cuối cùng, theo họ, sẽ làm lợi cho cả người nghèo thông qua hiệu ứng “thẩm thấu”. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi việc lại không diễn ra như vậy, cái mà “chủ nghĩa tự do mới” mang lại, chính là hố phân cách giàu – nghèo ngày càng sâu, rộng hơn. “Chủ nghĩa tự do mới” với hàng loạt chính sách : tiền tệ, chi tiêu công và điều chỉnh lãi suất; thị trường lao động “linh hoạt”, giảm sự điều tiết của nhà nước về thời gian lao động; cắt giảm phúc lợi xã hội, “thắt lưng buộc bụng”; tự do hóa thương mại và tài chính; “tư hữu hóa bất cứ thứ gì tư nhân có thể làm được”… Những chính sách đó chỉ làm lợi cho các đại gia tư bản tài chính, và bất lợi cho người lao động và giới trung lưu.
Trong các nước ứng dụng “chủ nghĩa tự do mới”, tuy có thu được một số thành quả nhất định, nhưng những nỗ lực phát triển càng về sau, càng bị đảo ngược. Sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản đã đạt tới mức chưa từng có, sự “bần cùng hóa tương đối” đã diễn ra đúng như C.Mác đã trình bày trong Tư bản luận.
Thực tiễn ngày nay đã chứng minh rằng : Thị trường không thể là nhân tố quyết định tuyệt đối về kinh tế, chính trị – xã hội của thế giới… thị trường chỉ là nơi để tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải nơi làm nên những giá trị cao đẹp vĩnh hằng.
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đang chứng minh rằng “chủ nghĩa tư do mới” với hệ thống giá trị của nó đã không thể là viên “linh đan” để tạo ra sự vĩnh hằng của CNTB hiện đại.
Và lời giải đang tìm
Từ khi CNTB độc quyền nhà nước ra đời đến nay với việc áp dụng các học thuyết kinh tế khác nhau đã làm cho CNTB tồn tại, phát triển thích ứng với những điều kiện mới. Tuy nhiên, chưa có học thuyết nào hạn chế được khủng hoảng chu kỳ – quy luật vốn có của CNTB, trái lại, trong quá trình thích nghi để tiếp tục phát triển nó còn tích luỹ những nhân tố tiền khủng hoảng, làm cho tính chất và quy mô của các cuộc khủng hoảng càng về sau càng trầm trọng và sâu rộng hơn.
Vì thế, ngay tại khoá họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng LHQ ngày 23-9-2008. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Chủ tịch luân phiên của EU đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời tái xây dựng “một CNTB điều chỉnh”. Và chỉ một năm sau, ông Gordon Brown thủ tướng Anh cũng đề nghị xây dựng “cơ chế quản lý kinh tế toàn cầu mới”.
Theo các chuyên gia kinh tế thì hiện nay trên thế giới đang tồn tại ba mô hình phát triển kinh tế: (1) Kinh tế thị trường tự do mới ở Mỹ và một số nước công nghiệp phát triển; (2) Kinh tế thị trường kết hợp với kế hoạch hóa của các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi); (3) Kinh tế dựa trên xã hội truyền thống của các nước Hồi giáo dưới tác động của yếu tố tôn giáo và quá trình toàn cầu hóa. Trong đó, mô hình thứ 2 đang có nhiều ưu thế.
Tuy nhiên, điều cần quan tâm là, Mỹ và các nước TBCN phát triển cũng đã từng áp dụng học thuyết của John Maynard Keynes khi đề cao vai trò điều tiết của nhà nước, lý thuyết kinh tế hỗn hợp của P.A.Samuelson khi cần điều hoà mối quan hệ này “nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn”, nhưng rồi những học thuyết đó cũng đã thoái trào để nhường chỗ cho “giảm thiểu vai trò can thiệp của nhà nước” và cũng đã không thành công.
Theo các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách vĩ mô: Để sớm thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay, tạo dựng sự phát triển cân bằng và bền vững của kinh tế thế giới, nhân loại đang cần một lời giải mới, không chỉ đơn thuần là tìm vai trò và liều lượng can thiệp của nhà nước, mà có lẽ, sâu xa hơn, đó là xây dựng nhà nước như thế nào? Điều này, các học thuyết kinh tế mà CNTB ứng dụng đều không nói đến. Vì thế, việc đi tìm lời giải mới cho sự phát triển là nhu cầu khách quan của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội thế giới trong thời đại ngày nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()