Kinh tế thế giới năm 2013 với những hy vọng tích cực
Năm 2012 qua đi với hàng loạt biến động, khiến các nhà kinh tế thế giới đau đầu: Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản đứng trước miệng vực suy thoái, châu Âu chìm trong bài toán khó về nợ công, các nước nghèo hoặc đang phát triển phải "oằn lưng" gánh chịu sức ép khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, sau một mùa đông khắc nghiệt, một mùa xuân mới đang về và thổi bùng lên hy vọng về một bức tranh kinh tế thế giới tươi sáng hơn trong năm 2013.Các số liệu trong bản báo cáo về kinh tế thế giới của Vụ Kinh tế và các vấn đề xã hội của LHQ cho thấy, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 giảm so với dự báo cách đây một năm và sẽ tiếp tục tăng chậm trong hai năm tới. Theo đó, mức tăng trưởng năm 2013 và 2014 lần lượt là 2,4% và 3,2%, không đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm mà nhiều nước đang đương đầu. Một số nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) đã rơi vào giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục...
Các số liệu trong bản báo cáo về kinh tế thế giới của Vụ Kinh tế và các vấn đề xã hội của LHQ cho thấy, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 giảm so với dự báo cách đây một năm và sẽ tiếp tục tăng chậm trong hai năm tới. Theo đó, mức tăng trưởng năm 2013 và 2014 lần lượt là 2,4% và 3,2%, không đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm mà nhiều nước đang đương đầu. Một số nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) đã rơi vào giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục tới 22,5% trong năm 2012.
Tại Mỹ, dự báo tăng trưởng trong năm tới có thể đạt 2,12%. Với mức tăng trưởng này, Mỹ phải mất nhiều năm nữa mới tạo được số việc làm đã mất trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Cùng với đó là vấn đề “vách đá tài chính” mà nếu Nhà trắng và Đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận, hàng loạt loại thuế sẽ tăng, ngân sách tự động bị cắt giảm, nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, các số liệu thống kê tại Mỹ vẫn cho thấy dấu hiệu khả quan. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Xan-đi, nhưng các doanh nghiệp Mỹ đã thuê thêm khoảng 150 nghìn lao động mỗi tháng, giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước này xuống 7,7%, mức thấp nhất trong ba năm qua. Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn giữ mức lãi suất mang tính tượng trưng 0,25% cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6,5%. Một dấu hiệu tích cực nữa từ bản báo cáo của Bộ Lao động Mỹ là chỉ số bán lẻ tại Mỹ tháng 11-2012 tăng nhẹ do lượng hàng hóa giao dịch qua in-tơ-nét tăng khá mạnh.
Theo các dự báo, tăng trưởng của EU năm 2013 vẫn yếu, rủi ro kinh tế tại một số nước sẽ tăng, vấn đề cần ưu tiên giải quyết vẫn là khủng hoảng nợ công. Mặc dù vậy, với việc EU thành lập Liên minh ngân hàng châu Âu, những “nút thắt kinh tế” tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại có thêm hy vọng được tháo gỡ. Một trong những bước đi quan trọng của tổ chức này là khởi động Cơ chế giám sát chung (SSM) của EU. Trong khuôn khổ cơ chế mới này, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ chịu trách nhiệm giám sát, ổn định tài chính, phát hiện rủi ro với toàn bộ các ngân hàng thuộc Eurozone. Nếu một ngân hàng không tuân thủ, ECB có thể sử dụng các biện pháp can thiệp sớm hoặc buộc ngân hàng đó phải đưa ra những biện pháp khắc phục.
Trong khi đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện sức chống đỡ và “sức bền” tăng trưởng, bất chấp tình trạng ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Theo thống kê và dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2012, mức tăng trưởng kinh tế khu vực này đạt 7,5%, thấp hơn mức 8,3% của năm 2011, nhưng sẽ tăng trở lại 7,9% trong năm 2013. Trong đó, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,9% trong năm 2012 (mức thấp nhất trong 14 năm qua) nhưng dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 8,4% vào năm 2013. Sự thay đổi lãnh đạo tại ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng làm dấy lên hy vọng về những thay đổi tích cực và khả quan trong năm tới. Trước hết, Chính phủ mới ở Nhật Bản đã quyết định tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ tài chính, thông qua chương trình khuyến khích mua tài sản với khoản tiền cho vay được nâng từ 10 nghìn tỷ Yên (119 tỷ USD) lên 101 nghìn tỷ Yên (1.200 tỷ USD), trong khi lãi suất ngắn hạn tiếp tục được duy trì ở mức từ 0 đến 0,1%. Ngoài ra, tại khu vực đang phát triển Đông – Nam Á cũng có nhiều điểm sáng kinh tế đáng chú ý, như Thái-lan đang phục hồi mạnh mẽ sau thảm họa lụt lội năm 2011; Xin-ga-po tiếp tục phát triển mạnh với vai trò thị trường năng động đối với châu Âu và là trung tâm trao đổi thương mại toàn khu vực; Phi-li-pin và Mi-an-ma trên đà tăng trưởng mạnh mẽ; mức tăng trưởng kinh tế của In-đô-nê-xi-a và Cam-pu-chia mặc dù suy giảm chút ít, nhưng hứa hẹn phát triển ổn định hơn trong năm tới.
Năm 2012 trôi qua với hàng loạt biến động tài chính, trong đó các nền kinh tế đứng đầu thế giới bị chao đảo, các khu vực kinh tế liên tiếp gặp khó khăn, hàng triệu người không có việc làm. Tuy nhiên, những nỗ lực khắc phục khó khăn từ các quốc gia “đầu tàu” kinh tế, cùng với sự năng động và tích cực của các khu vực trên toàn thế giới cho thấy những dấu hiệu khả quan, mở ra hy vọng cho một năm 2013 với nhiều đổi thay tích cực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()