Kinh tế thế giới duy trì xu hướng phục hồi
Trong 11 tháng đầu năm 2021, đà phục hồi của nền kinh tế thế giới đến từ hiệu quả của các biện pháp, chính sách tài khóa chưa từng có tiền lệ, cùng việc dần kiểm soát dịch bệnh nhờ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.
Ảnh minh họa |
Tâm điểm của đợt bùng phát mới này là các nước ở vùng khí hậu ôn đới như Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tính chung đến 18/11, toàn thế giới đã có 255,7 triệu ca nhiễm với 5,1 triệu ca tử vong vì COVID-19. Cùng lúc đó, tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh, mỗi ngày trên thế giới có 29,92 triệu liều vaccine được tiêm. Cho đến ngày 19/11/2021, đã có 53,14% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong khi độ bao phủ vaccine trên dân số ở nhiều nước phát triển có chiều hướng chững lại, nhiều nước đang phát triển vẫn tăng, trở thành những nước có độ bao phủ cao nhất thế giới (như Chile, Trung Quốc, Campuchia, Uruguay…).
Chỉ số PMI toàn cầu liên tục tăng trong các tháng đầu năm với sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU… khi các quốc gia này hoàn thành tiến độ tiêm chủng nhanh. Chỉ số PMI tăng dần trong những tháng gần đây cho thấy sự phục hồi đã dần quay trở lại (PMI đã đạt 54,5 vào tháng 10/2021).
Trong 11 tháng đầu năm 2021, đà phục hồi của nền kinh tế thế giới đến từ hiệu quả của các biện pháp, chính sách tài khóa chưa từng có tiền lệ, cùng việc dần kiểm soát dịch bệnh nhờ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.
Mặc dù vậy, lạm phát đang có xu hướng tăng cao, giá hàng hóa đầu vào tăng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng đang trở thành những thách thức cho kinh tế thế giới. Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 5,7-5,9% năm 2021 và 4,5-5% năm 2022; giảm nhẹ 0,1-0,2 điểm % so với các dự báo trước đó. Lạm phát toàn cầu năm 2021 tăng khá mạnh, lên mức 3,2% trước khi hạ nhiệt vào năm 2022 (khoảng 3%) và 2,5% trong 3 năm sau đó.
Diễn biến một số nền kinh tế chủ yếu
Kinh tế Mỹ quý IV được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với quý trước (so với mức tăng tương ứng 2% tăng trưởng trong quý III), theo đó tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 dự kiến đạt 5,5%. Kết quả này xác nhận những nỗ lực của Mỹ trong việc phục hồi kinh tế từ mức tăng trưởng kinh tế âm của năm 2020. Gói kích thích tài chính vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình sau khi tăng mạnh 41,4% trong quý III, tiếp tục dự báo sẽ tăng 3,4% trong quý IV. Tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục xu hướng giảm từ 8,8% của quý 3 còn dự kiến 6,8% trong quý IV.
Chỉ số IIP của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 5,1%, cao hơn so với mức tăng 4,6% của tháng 9. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, tuy chưa phục hồi trở lại mức trước COVID-19 (trên 63%) nhưng đã đạt trên 61,6% trong tháng 10. Tuy nhiên, bên cạnh các dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế, Chính phủ Mỹ đang phải cân nhắc về khoản nợ công khổng lồ cũng như tỉ lệ lạm phát tiếp tục đạt các mốc kỷ lục mới trong bối cảnh Chính phủ nước này tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kích thích tài khóa.
Lạm phát của Mỹ tiếp tục cao kỷ lục trong tháng 10/2021 (tăng tới 6,2% so với cùng kỳ), tiếp tục giữ mặt bằng cao từ tháng 6 trở lại đây. Tổng nợ công trên GDP của Mỹ đến hết quý II/2021 đã vượt 125%, vượt khá xa mức bình quân dưới 105% giai đoạn 2015-2019.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục xu hướng phục hồi ổn định. Chỉ số PMI tháng 10 đạt 51,5 điểm, tăng nhẹ so với tháng trước, cho thấy các hoạt động kinh tế đang tiếp tục được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu được hỗ trợ từ các yếu tố đến từ phía cầu (doanh số bán lẻ tháng 10 tăng 4,9%, xuất khẩu hàng hóa tăng 27,1% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các chính sách siết chặt quản lý khu vực bất động sản, chính sách zero-COVID nghiêm ngặt trước xu hướng tăng các ổ dịch mới, nguy cơ thiếu hụt năng lượng… qua đó gây sức ép lên lạm phát và tiêu dùng, tiếp tục là những thách thức cho tăng trường kinh tế Trung Quốc thời gian tới. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng quý IV/2021 và triển vọng tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc (Oxford Economics hạ dự báo quý IV/2021 còn 3,6%; Goldman Sachs, Nomura dự báo tăng trưởng 2022 ở mức dưới 5%).
Kinh tế châu Âu mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn như giá năng lượng tăng cao, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và làn sóng dịch bệnh mới, song kinh tế khu vực này vẫn được nhận định sẽ phục hồi mạnh mẽ. Ngày 11/11/2021, EU đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khối này trong năm 2021 từ mức 4,8% lên 5%. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực châu Âu đã dẫn đến sự thiếu hụt về nguyên vật liệu và làm gia tăng giá hàng hóa. Tỉ lệ lạm phát của khu vực này được dự báo sẽ đạt đỉnh 2,6% vào năm 2021 trước khi giảm nhẹ vào năm 2022.
Kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy giảm, tăng trưởng GDP giảm 3% trong quý III – là lần thứ 5 trong 8 quý gần nhất Nhật Bản có tăng trưởng quý âm. Nguyên nhân đến từ việc sụt giảm xuất khẩu do đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu dùng trong nước suy giảm khi quốc gia này phải áp dụng tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh bùng phát. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách nhằm khôi phục kinh tế như gói kích thích tài khóa sẽ có quy mô trên 40.000 tỷ yen, các chính sách giảm thuế, nâng lương cho người lao động và khôi phục hỗ trợ di chuyển nội địa. Trong dự báo được điều chỉnh trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Nhật Bản xuống còn 2,4% từ mức 2,8%.
Ở khu vực ASEAN, tình hình sản xuất tăng trưởng trở lại khi những biện pháp hạn chế do COVID-19 được nới lỏng. Chỉ số PMI khu vực ASEAN tăng từ 50 điểm trong tháng 9 lên 53,6 điểm trong tháng 10, cho thấy lần cải thiện đầu tiên của các điều kiện sản xuất ở ASEAN kể từ tháng 5. Nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, Indonesia đứng đầu với PMI đạt 57,2 (tăng từ 52,2 điểm trong tháng 9), Singapore có PMI đạt 54,5 – là mức tăng vững chắc tháng thứ hai liên tiếp.
Thương mại chậm lại
Thương mại toàn cầu đang chậm lại trong bối cảnh gián đoạn sản xuất cùng với sự sụt giảm của nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu. Theo WTO, chỉ số thương mại hàng hóa trong tháng 11 đã giảm xuống còn 99,5 điểm (gần mức điểm cơ sở 100) sau khi ghi nhận mức kỷ lục 110,4 trong tháng 8/2021. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do các cú sốc nguồn cung, đặc biệt là tình trạng dồn ứ tại cảng do nhu cầu nhập khẩu tăng cao và gián đoạn sản xuất hàng hóa như ô tô và chất bán dẫn. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, nhu cầu đối với hàng hóa thương mại cũng đang có chiều hướng giảm, thể hiện qua mức sụt giảm số lượng đơn hàng.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu diễn ra trầm trọng từ tháng 8/2021 đã gây ra lạm phát giá trên thị trường năng lượng quốc tế, tạo ra phản ứng dây chuyền với những nhân tố bất ổn, khủng hoảng khó lường cho kinh tế thế giới vốn đang khó khăn do đại dịch. Giá khí đốt ở châu Âu liên tục phá kỷ lục, giá kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch trung tâm TTF tại Hà Lan (một tiêu chuẩn cho khí đốt tự nhiên ở châu Âu) đã tăng 400% so với đầu năm 2021. Giá dầu thô tháng 11 giảm nhẹ xuống còn 79 USD/thùng so với mức trung bình 81 USD/thùng vào tháng 10. Giá dầu Brent tháng 11 dao động ở mức 81-82 USD/thùng so với mức dưới 85 USD/thùng trong tháng 10. Giá thép, giá quặng sắt giảm trong nhiều phiên giao dịch trong tháng 11 do lo ngại về triển vọng nhu cầu nguyên liệu không khả quan ở nước sản xuất thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng năng lượng được nhận định sẽ là mối quan tâm lớn trong thời gian tới. Trong khi đó, những quan ngại về lạm phát và khả năng các nước siết chặt chính sách tiền tệ sẽ là một trong số rất nhiều “cơn gió ngược” mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Như vậy có thể thấy, kinh tế thế giới hiện tại vẫn còn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như những yếu tố bất ổn đến từ thị trường năng lượng, song đang trong xu hướng dần hồi phục trong tình trạng sống chung với dịch bệnh. Mặc dù tăng trưởng kinh tế còn khác nhau ở các khu vực, nhưng những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam hiện đang ở trạng thái phục hồi, có thể mang lại những cơ hội đối với thương mại và đầu tư cho Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến lạm phát và giá cả hiện đang là yếu tố đáng lo ngại. Giá dầu tăng tuy cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến nguồn thu ngân sách từ dầu thô, nhưng có thể gây khó khăn cho đầu vào doanh nghiệp và đẩy giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Điều này có thể tác động tiêu cực đến giá cả trong nước cần được sát sao theo dõi.
Ý kiến ()