Kinh tế thế giới còn nhiều lo ngại
Kinh tế thế giới có nhiều biến động trong tháng 8/2018 bởi mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn trong việc xác định vị thế mới của các nước này trong bối cảnh mới, như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa Mỹ và Nga… đã làm dấy lên những lo ngại đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Ảnh minh họa |
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 7/2018 ở mức 0,2%, tăng so với tháng 6 nhưng không đổi so với tháng 4 và tháng 5. Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 9 tháng đầu tiên của tài khóa 2018 (từ tháng 10/2017-tháng 9/2018) tăng lên 607 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ của tài khóa 2017, một phần do tác động của giảm thuế khiến thu ngân sách tăng chậm hơn so với mức chi. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ được dự báo tăng từ 2,4% GDP (năm 2017) lên 3,6% GDP (năm 2020) và nếu tiếp tục cắt giảm thuế, con số này có thể tăng lên 4% GDP hoặc cao hơn nữa.
Kinh tế châu Âu tiếp tục cho thấy triển vọng khả quan. Tăng trưởng GDP trong quý II/2018 của cả hai khu vực Eurozone và EU28 đều đạt 0,4% so với quý I/2018. Hoạt động kinh doanh khu vực Eurozone tiếp tục tăng vào cuối quý II nhưng với tốc độ chậm hơn so với những tháng đầu năm 2018. Áp lực về giá và tăng trưởng việc làm vẫn duy trì ở mức cao.
Kinh tế Nhật Bản trở lại tăng trưởng trong quý II năm 2018 sau khi suy giảm trong quý đầu tiên của năm nay. GDP quý II/2018 tăng 1,9% trong kỳ hạn được điều chỉnh theo mùa hàng năm (SAAR). Xuất khẩu hàng hóa danh nghĩa bằng đồng yên tăng 3,9% trong tháng 7, giảm so với mức tăng trưởng 6,7% của tháng 6, do xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ tháng 7 giảm. Sản xuất công nghiệp đã giảm 1,8% trên cơ sở hàng tháng và theo mùa trong tháng 6, sau khi giảm 0,2% trong tháng 5.
Kinh tế Trung Quốc có thêm các dấu hiệu “hạ nhiệt” giữa bối cảnh Mỹ chuẩn bị áp đặt các mức thuế thương mại mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Tăng trưởng 2 quý đầu năm 2018 đạt lần lượt 6,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất nhập khẩu của Trung Quốc tính từ đầu năm đều tăng nhẹ. Tính riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7/2018 đạt 2,6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đầu tư trong các tháng 1-7/2018 tại nền kinh tế châu Á này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong lúc doanh số bán lẻ chững lại (tháng 7/2018 chỉ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017, thấp hơn mức tăng dự báo 9,1% và giảm so với mức 9% trong tháng 6/2018), phản ánh nhu cầu nội địa yếu đi và niềm tin kinh doanh sụt giảm.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã không tăng mạnh như dự kiến, với mức tăng chỉ đạt 6% trong tháng 7/2018, thấp hơn dự báo 6,3% của các nhà phân tích. Chỉ số PMI sản xuất giảm xuống còn 50,8 trong tháng 7/2018 so với mức 51 trong tháng 6.
Giá cả diễn biến phức tạp
Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp theo tình hình của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) ngày 2/8/2018, giá lương thực tháng 7/2018 giảm 3,7% so với tháng 6/2018, mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 12/2017. Căng thẳng thương mại leo thang cùng với tình trạng bất ổn trên thị trường các nước mới nổi làm giảm nhu cầu về năng lượng khiến giá dầu sụt giảm. Giá dầu thô thế giới giảm nhẹ trong tháng 8/2018. Theo EIA (8/2018), giá dầu thô trung bình tháng 7 đạt 74 USD/thùng không thay đổi so với tháng 6/2018. Giá dầu tháng 8/2018 dao động ở mức 72,5 USD/thùng.
Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu (WTOI) ở mức 100,3; nhưng thấp hơn mức 101,8 trong tháng 5/2018 cho thấy thương mại thế giới tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2018, nhưng ở nhịp độ chậm hơn so với quý I. WTOI giảm chủ yếu do sự đi xuống của các chỉ số về đơn hàng xuất khẩu và vận tải hàng không.
Như đã đưa tin, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Sau 2 ngày đàm phán (ngày 22-23/8), Mỹ và Trung Quốc đều không đạt được thỏa thuận nào giúp chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngày 23/8/2018, Mỹ áp mức thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Danh sách hàng hóa bị áp thuế bao gồm 280 mặt hàng. Trung Quốc dự định trả đũa với mức thuế 25% đánh vào 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ bao gồm các thiết bị y tế, than đá, xe hơi và xe buýt.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()