Kinh tế thế giới cơ bản phục hồi nhưng còn nhiều điều đáng lo ngại
Kinh tế thế giới năm 2010 như một bức tranh đa sắc, với nhiều mảng mầu sáng tối trong thành công và khó khăn, cũng như những trái ngược trong chính sách điều hành kinh tế của mỗi khu vực và nhóm nước. Tuy nhiên, gam mầu chủ đạo bao trùm toàn cảnh vẫn là sự chuyển sáng dần, dù với tốc độ không đồng đều. Nếu so với mức GDP toàn cầu năm 2009 giảm 0,6%, thì năm 2010, kinh tế thế giới đã thật sự hồi phục một cách đầy ấn tượng...Kinh tế thế giới cơ bản phục hồi với triển vọng sáng dầnTheo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của Quỹ Tiền tế quốc tế (IMF), mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2010 là khoảng 4,8% và năm 2011 sẽ hạ xuống 4,2%. Các nền kinh tế mới nổi có thể tăng trưởng 2,7% trong năm 2010 và 2,2% trong năm 2011 sau khi sụt giảm 3,2% vào năm 2009. Các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ, có thể vượt mức 7,1% trong năm nay và đạt 6,4% trong năm tới, ghi...
Kinh tế thế giới cơ bản phục hồi với triển vọng sáng dần
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất của Quỹ Tiền tế quốc tế (IMF), mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2010 là khoảng 4,8% và năm 2011 sẽ hạ xuống 4,2%. Các nền kinh tế mới nổi có thể tăng trưởng 2,7% trong năm 2010 và 2,2% trong năm 2011 sau khi sụt giảm 3,2% vào năm 2009. Các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ, có thể vượt mức 7,1% trong năm nay và đạt 6,4% trong năm tới, ghi nhận bước tiến đáng kể so với mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2009. Dự kiến, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6% trong năm 2010 và 2,3% trong năm 2011. Tỷ lệ tăng GDP năm 2010 và 2011 của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) lần lượt là 1,7% và 1,5%. Năm 2010, Đức là nước có các chỉ số tăng trưởng kinh tế tốt nhất trong vòng 20 năm qua, với chỉ số tăng GDP lên tới 3,6% và chỉ số lạm phát là 1,2% so với chỉ số lạm phát của Liên hiệp châu Âu (EU) là gần 2%. Ở châu Á, Xin-ga-po dẫn đầu khu vực và cả thế giới với mức tăng trưởng GDP kỷ lục, hơn 14% năm 2010. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà hai nước nổi tiếng nhất về cách thức quản lý đất nước, ở châu Âu là Đức và châu Á là Xin-ga-po, lại trở thành quán quân tiêu biểu cho tăng trưởng kinh tế năm 2010. IMF nhận định GDP của Nhật Bản tăng 2,8% trong năm 2010 và 1,5% trong năm 2011. GDP năm 2010 và 2011 của Trung Quốc được dự báo tăng lần lượt 10,5% và 9,6%. Đóng góp đầu tư, tiêu dùng và ngoại thương là ba động lực tiếp tục thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong năm 2010. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ có thể tăng 9,7% trong năm 2010 và 8,4% trong năm tới nhờ nhu cầu ngày càng gia tăng trong lĩnh vực tư nhân. Các nền kinh tế đang nổi lên như: Ấn Độ, Bra-xin đóng vai trò ngày càng lớn và nhờ đó sẽ hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng GDP của Trung Đông và Bắc Phi sẽ là 4,1% năm 2010 và 5,1% năm 2011, so với mức 2% năm 2009. Tăng trưởng của khu vực Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê năm 2011 vẫn tương đối mạnh, ở mức 4%, thấp hơn mức tăng trưởng 5,6% ước tính trong năm 2010. IMF cũng dự báo năm 2011, Ấn Độ sẽ tăng trưởng 8,4%; Nga (4,3%) và Bra-xin (4,1%). Còn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự đoán năm 2011, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3%-3,6%. Trong báo cáo mới nhất hồi cuối tháng 11-2010, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2010 là 1,7%, gần gấp đôi dự đoán đưa ra hồi mùa xuân vừa qua (0,9%).
Trên phạm vi thế giới, chính sách của các quốc gia về cơ bản vẫn tích cực. Các chương trình cứu trợ tài chính đang được rút dần, tùy theo tín hiệu của thị trường. Giá nguyên liệu có thể giảm mạnh, làm tăng lợi nhuận ở các nền kinh tế phát triển. Lạm phát và bong bóng tài sản thương mại đang tăng, nhưng chỉ xuất hiện ở một số nước, chứ không lan rộng ra quy mô toàn cầu.
Vẫn còn đó nhiều mối lo ngại
Mặc dù có nhiều triển vọng sáng sủa, nhưng kinh tế thế giới năm 2011 còn nhiều mối lo. Về tổng thể, nền kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn vào năm tới, dù không có nguy cơ xảy ra suy thoái kép. Theo báo cáo sơ bộ của LHQ, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm 2012 và chưa thể khôi phục số việc làm bị mất trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Việc các nước không phối hợp tốt chính sách tiền tệ là một trong các nguyên nhân sẽ khiến các thị trường trở nên bất ổn hơn. Tình trạng thiếu việc làm là trở ngại lớn nhất cho sự phục hồi kinh tế. Trong trường hợp đó, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ có thể phải gánh chịu một cuộc suy thoái kép. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo các nền kinh tế của 33 nước thành viên thuộc tổ chức này sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2011. OECD cũng cảnh báo sự mất cân bằng thương mại ngày càng lớn có thể là một vấn đề, nếu các nước bắt đầu theo đuổi các biện pháp bảo hộ thương mại.
Ở nhiều nước đang còn ở mức báo động đỏ về một số nhân tố có thể cản trở tiến trình phục hồi và đặt ra những thách thức lớn về mặt xã hội: tỷ lệ thất nghiệp cao (khoảng 8-10%), tiền lương thấp và mức tăng thu nhập chậm, nhu cầu tiêu dùng sẽ chưa tăng nhanh. Do thua lỗ lớn, các ngân hàng sẽ phải cắt giảm tín dụng và cho vay. Chính sách thắt chặt tiền tệ và các quy định mới về tài chính, như yêu cầu vốn cao hơn, nếu được áp dụng sớm có thể gây khó khăn cho khu vực ngân hàng. Phần lớn các nền kinh tế phát triển và một số quốc gia mới nổi vẫn phải điều chỉnh mạnh về cơ cấu và cả chính sách. Bản thân IMF cũng kêu gọi các thành viên cần áp dụng các chính sách cân bằng để duy trì và thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, cũng như có các biện pháp phối hợp để giải quyết những thách thức kinh tế toàn cầu.
Một số nền kinh tế ở Eurozone vẫn chật vật đối phó thâm hụt tài chính và gánh nặng nợ nần. Nợ đang trở thành quá tải đối với các nền kinh tế lớn, trong đó có cả Mỹ và Anh. Viện Tài chính quốc tế ước tính trong năm 2011, Mỹ cần phải vay thêm hơn 4.000 tỷ USD, châu Âu phải vay thêm tổng cộng 3.000 tỷ USD. Nhật Bản – nước đang mắc nợ cao nhất và có nợ ngắn hạn nhiều nhất thế giới – sẽ cần phải huy động thêm một lượng vốn chiếm hơn 50% GDP trong năm tới. Các nền kinh tế mắc nợ nhiều sẽ buộc phải tính tới nhiều giải pháp, như tăng thuế, thay đổi cơ cấu nợ, giảm chi tiêu công hoặc quay trở lại với các chính sách tài chính bền vững hơn. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng là vấn đề cần theo dõi, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao tại các nước. Cuộc chiến giảm giá các đồng tiền chủ chốt và sự bùng phát giá vàng thế giới với những 'siêu kỷ lục' và các động thái thăng trầm đầy kịch tính cũng là những điểm đen trên bản đồ tài chính thế giới năm 2010 và chưa có dấu hiệu được loại trừ hoàn toàn trong năm 2011.
Thế giới vẫn còn có lý do để lo ngại những rủi ro từ các quyết sách kinh tế của chính phủ nhiều nước, nhất là từ những nước con nợ lớn và cả từ một số nền kinh tế lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia của Mỹ cho là Trung Quốc cố tình định giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực so với đồng USD từ 25 đến 40% để giành ưu thế bất bình đẳng trong thương mại. Đây cũng là nguyên nhân gây căng thẳng thương mại và tiền tệ giữa Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn, dẫn tới những mối lo về một 'cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu'… Chính sách thắt chặt chi tiêu công của châu Âu diễn ra như một hiện tượng khu vực năm 2010, đang và sẽ có tác động hai mặt đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội khu vực và quốc tế. Một mặt, chính sách thắt chặt chi tiêu công sẽ trực tiếp và gián tiếp giúp cải thiện thâm hụt ngân sách Nhà nước, cũng như tình trạng nợ công, tăng niềm tin và khích lệ đầu tư xã hội, từ đó giúp khôi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, làn sóng cắt giảm chi tiêu công có thể làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và mất ổn định xã hội; làm tiêu giảm động lực tăng trưởng kinh tế từ khu vực công. Việc áp dụng chính sách 'thắt lưng buộc bụng', khiến người lao động bất bình và làn sóng biểu tình và bãi công lớn nhất trong hơn 40 năm qua đang lan rộng toàn châu Âu.
Xu hướng điều chỉnh mô hình quản lý kinh tế 'hậu suy giảm'
Tại diễn đàn Đa-vốt 2010, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di kêu gọi tiến hành một 'Hội nghị Bretton Woods mới', thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chủ chốt của thế giới. Thủ tướng Luých-xăm-bua đề nghị tăng cường giám sát các nền kinh tế thành viên, thành lập khuôn khổ hành động chung nhằm củng cố kinh tế toàn bộ Eurozone…
Ngày 21-7-2010, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã ký thông qua chính thức Đạo luật cải cách tài chính Phố Uôn và Bảo vệ người tiêu dùng, gọi tắt là Luật Dodd – Frank. Lý do ra đời Đạo luật Dodd-Frank bắt nguồn từ nhận thức lại của chính giới Mỹ về sự cần thiết phải đưa ra giải pháp dài hạn, mang tính tái cấu trúc và thay đổi tổng thể hệ thống tài chính Mỹ, nhằm ngăn chặn hữu hiệu và vững chắc các nguy cơ khủng hoảng tương tự trong tương lai. Đạo luật này là một phần của bước chuyển mang tính toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo đó chính phủ sẽ can dự sâu hơn vào ngành tài chính. Theo Tổng thống Ô-ba-ma, đạo luật này sẽ gia tăng trách nhiệm của các định chế tài chính, nhưng không làm tê liệt thị trường tự do, thậm chí không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà còn có tác động tích cực đối với nền kinh tế và giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chấm dứt việc dùng tiền nộp thuế của người dân để tung ra các gói cứu trợ.
Có thể nói, trên phạm vi toàn cầu, cơ chế quản lý kinh tế 'hậu suy giảm' và ngăn chặn tái khủng hoảng kinh tế – tài chính đang từng bước định hình theo hướng vừa tôn trọng tính đặc thù và đa dạng hóa, đa cực hóa, vừa đòi hỏi sự kết hợp hài hòa bàn tay thị trường và Nhà nước, các nguồn lực Nhà nước và tư nhân, bảo đảm lòng tin và sự ổn định trong khu vực tài chính – ngân hàng; coi trọng chất lượng dự báo và hiệu lực giám sát, công tác thông tin, sự đồng bộ và phản ứng chính sách linh hoạt, cũng như chú ý tính hai mặt của các chính sách, cơ chế điều tiết quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tập trung nguồn lực và phối hợp hành động chung trên phạm vi khu vực và toàn cầu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế. Đặc biệt, cần cải cách cả IMF và các định chế khu vực, quốc tế khác trong việc điều phối và hỗ trợ các quốc gia thành viên thiết kế các biện pháp chính sách ứng phó tác động của khủng hoảng và suy giảm kinh tế của các quốc gia, cũng như những nỗ lực trong việc giảm nhẹ tác động tiêu cực với người dân nghèo trên toàn thế giới. Hình thành một thế giới toàn cầu hóa và có tổ chức chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả và nhân văn hơn… Bản thân việc chuyển bớt 6% quyền bỏ phiếu của IMF từ các nước phát triển vào tay các nền kinh tế mới nổi theo thỏa thuận của Hội nghị cấp cao G20 tại Xơ-un (Hàn Quốc) cuối tháng 11-2010 là tín hiệu mở đầu cho những chuyển dịch cán cân quyền lực mới chưa từng có suốt hơn 50 năm qua trong IMF; và đây cũng là dấu hiệu của những chuyển dịch mới quan trọng cho cơ chế quản lý thế giới mới, thời kỳ 'hậu suy giảm'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()