Kinh tế thế giới 2022: Trên đà phục hồi mong manh
Trải qua hai năm đầy gian nan do sự tàn phá của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới bước sang năm 2022 với những dự báo trái chiều về khả năng phục hồi của các tổ chức và định chế tài chính uy tín toàn cầu.
Bên cạnh những nhận định lạc quan là những dự báo khá bi quan, nhưng tựu chung ở một điểm đó là nền kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ vẫn tiềm ẩn những nguy cơ từ đại dịch Covid-19 và lạm phát.
Trong số các tổ chức đưa ra dự báo, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan tỏ ra lạc quan nhất khi cho rằng “năm 2022 sẽ là năm thế giới phục hồi hoàn toàn, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường như trước khi dịch Covid-19 xảy ra”.
Theo JPMorgan, đó là nhờ các chiến dịch tiêm phủ vaccine được đẩy mạnh giúp phần lớn các nước mở cửa trở lại, các nút thắt trong chuỗi cung ứng, tiêu dùng dần được mở, từ đó giúp phục hồi tăng trưởng trên diện rộng.
Đi lại bằng đường không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sụt giảm hơn 90% so với thời kỳ trước đại dịch. (ảnh minh họa). Ảnh: AP. |
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh) thậm chí còn cho rằng tổng giá trị nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử và sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9% trong khi con số dự báo của Oxford Economics là 4,5%.
Cơ sở để đưa ra những dự báo tích cực này đó là đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu được củng cố vào cuối năm 2021 sau khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các nước tăng lên, nhiều nước chuyển sang sống chung an toàn với Covid-19 và triển khai các gói kích thích tăng trưởng, các chuỗi cung ứng cũng phục hồi dần.
Trong bức tranh tổng thể kinh tế thế giới năm 2022, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các thị trường mới nổi được dự báo triển vọng hơn cả. Các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ chứng kiến đà phục hồi mạnh nhất, chứ không phải là các quốc gia đầu tàu kinh tế của thế giới.
Đóng góp vào đó là hai nước Ấn Độ và Indonesia, được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhờ cải cách cơ cấu thân thiện với doanh nghiệp, đầu tư vốn mạnh và tỷ lệ tiêm chủng tăng. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley thì cho rằng, các thị trường mới nổi sẽ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới với mức trung bình GDP tăng 4,9%, mặc dù tốc độ tăng trưởng bị chậm lại ở Brazil, Nga làm giảm mức tăng trung bình xuống.
Trong đó, triển vọng đối với các thị trường mới nổi ở châu Á là khá đáng kể, với tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) sẽ ở mức 5,7%.
Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, các nhà kinh tế dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2022, đặc biệt là từ quý II trở đi, nhờ việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, tái mở cửa và các chính sách tiền tệ hỗ trợ. Kinh tế Việt Nam cũng được nhận định sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022 nhờ sự cải thiện mạnh mẽ từ quý cuối cùng của năm 2021 sau giai đoạn giảm sâu do dịch Covid-19.
Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi vốn vội vàng mở cửa trong khi số lượng ca mắc Covid-19 còn cao, được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Cho dù vậy, các nền kinh tế lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của thế giới, với Mỹ được dự báo tăng khoảng 4% và Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 4,2%.
Cùng với những nhận định lạc quan là những dự báo thận trọng hơn như của Bloomberg, cho rằng bước sang năm 2022, toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nữa, do các nguy cơ từ biến chủng Omicron, lạm phát, Fed nâng lãi suất…
Đối với biến chủng Omicron, Bloomberg cho rằng, còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì. Theo Bloomberg, chỉ cần 3 tháng quay về thời kỳ phong tỏa chặt nhất như trong năm 2021, tăng trưởng năm 2022 sẽ tụt còn 4,2%. Một số nước phát triển như Vương Quốc Anh đã tái khởi động quá trình phong tỏa này nhằm ngăn chặn Omicron lây lan.
Về lạm phát, giới quan sát dự báo con số 2% trong năm 2022. Biến chủng Omicron là một trong những nguyên nhân cho việc này. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể đẩy giá khí đốt lên cao; tình trạng biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn, cũng có thể đội giá lương thực.
Các nhà kinh tế lo ngại, với những diễn biến giá cả năm 2021, lạm phát tại Mỹ gần mức 7% và hầu hết các thị trường lớn đều trải qua thời kỳ giá cả tăng mạnh sau hàng thập niên ổn định, lạm phát sẽ không phải là hiện tượng nhất thời.
Theo một phân tích của CEBR, nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó với lạm phát, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024. Còn Tổng giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định lạm phát tăng đột biến “là rủi ro chính” đối với triển vọng lạc quan của kinh tế toàn cầu năm 2022.
Trong hai năm vừa qua, Covid-19 đã làm chao đảo nền kinh tế thế giới, với những diễn biến rất khó dự đoán. Tất cả những dự đoán phục hồi trong hai năm qua gần như chỉ mang tính chất trấn an trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị tàn phá nghiêm trọng. Với đà phục hồi mong manh như hiện nay cùng các nguy cơ tiềm ẩn, thế giới lại tiếp tục phải hy vọng và bước sang một năm mới trong phập phồng âu lo.
Ý kiến ()