Kinh tế thế giới 2022: Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ
Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trên đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19, đây là thông tin tích cực cho năm 2022. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một chặng đường gập ghềnh trong vài tháng tới khi chính phủ các nước áp đặt những hạn chế mới để giải quyết sự xuất hiện biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mức tăng trưởng toàn cầu của năm 2022 dự báo chỉ dưới 5%, trong đó các nền kinh tế tiên tiến được cho là sẽ tăng trưởng tốt hơn nhiều so với các nước đang phát triển.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Trong năm 2021, các ngân hàng trung ương và hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng tình trạng lạm phát toàn cầu và suy thoái chỉ là tình trạng tạm thời. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng rồi sẽ được giải tỏa, giá năng lượng rồi sẽ bình ổn, người lao động ở các nước giàu sẽ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, khi năm 2021 kết thúc, niềm tin đó đang dần lung lay. Số lượng tàu chờ đợi kỷ lục tại các cảng, tình trạng thiếu nguyên liệu, việc làm không được đáp ứng, giá hàng hóa cao hơn và vô số sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm tăng thêm áp lực về giá.
Giá năng lượng và lương thực tăng cao đã thúc đẩy lạm phát cao hơn ở nhiều quốc gia. Các nhà kinh tế nhận định, những yếu tố toàn cầu này có thể khiến lạm phát gia tăng vào năm 2022. Khi hoạt động trở lại bình thường, giá cũng sẽ bình thường hóa nhưng các yếu tố như chi phí năng lượng sẽ ảnh hưởng lâu dài hơn đến một số lĩnh vực như ngành thép sử dụng nhiều năng lượng và lĩnh vực bán lẻ phụ thuộc vào hậu cần. Chi phí cao liên tục chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với các hộ gia đình ở các nước có thu nhập thấp, nơi mà khoảng 40% chi tiêu tiêu dùng là dành cho thực phẩm.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, biến chủng Omicron của Covid-19 có vẻ như dễ lây lan hơn so với “người tiền nhiệm” Delta, nhưng cũng có thể ít gây chết người hơn. Điều đó sẽ giúp thế giới trở lại giống như bình thường trước đại dịch – có nghĩa là chi nhiều tiền hơn cho các dịch vụ. Tái cân bằng chi tiêu có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 5,1% so với dự báo cơ sở của Bloomberg Economics là 4,7%. Nhưng ở giả thiết ngược lại, nhiều nước có thể không nhận được may mắn đó. Một biến chủng dễ lây lan và gây tử vong nhiều hơn sẽ khiến các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Trong kịch bản đó, nhu cầu sẽ yếu hơn và các vấn đề về nguồn cung của thế giới có thể sẽ vẫn tồn tại, với việc người lao động bị loại khỏi thị trường lao động và giá vận chuyển tiếp tục bị đẩy lên cao.
Biến chủng Omicron chỉ là một nguyên nhân tiềm ẩn. Tiền lương đã tăng với tốc độ chóng mặt ở Mỹ và có thể tăng cao hơn nữa. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể đẩy giá khí đốt tiếp tục đi lên. Tương tự, biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thời tiết bất ổn hơn, giá lương thực có thể tiếp tục tăng. Dù không phải tất cả các rủi ro đều theo cùng một hướng nhưng tác động tổng hợp vẫn có thể tạo ra một cú sốc lạm phát khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác không dễ dàng đưa ra các chính sách tài khóa.
Triển vọng tươi sáng
Sự gia tăng lạm phát toàn cầu khiến các nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng trong tương lai, nhưng các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng, lạm phát sẽ giảm xuống, nhường chỗ cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu 4,7% vào năm 2022. Trong khi đó, Moody’s Analytics nhận định, GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng 4,1% vào năm 2022 khi sự xuất hiện của biến chủng Omicron làm tăng tính không chắc chắn và rủi ro. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu này cũng cho rằng sự xuất hiện của Omicron sẽ không làm lệch đà phục hồi.
Vào tháng 8, Moody’s Analytics đã dự báo GDP toàn cầu sẽ phục hồi 5,7% trong năm 2021 sau khi giảm 3,6% vào năm 2020, đồng thời cho rằng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ là một yếu tố định hình quan trọng cho bối cảnh kinh tế vào năm 2022. Theo Moody’s, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo ở mức 5,6% vào năm 2021 và 4,4% vào năm 2022 trong khi tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo là 7,9% vào năm 2021 và 4,7% vào năm 2022. Nhà kinh tế trưởng Ellen Zentner của Mỹ cho biết chuỗi cung ứng của cường quốc số một thế giới đang trên đà phục hồi và mức tăng giá hàng hóa cũng sẽ giảm dần. Còn ở châu Âu, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng lạm phát giảm từ 4,1% vào cuối năm 2021 xuống 3,1% vào quý đầu tiên của năm 2022 và cuối cùng giảm xuống dưới tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 2%.
Nhà kinh tế châu Âu Jacob Nell nhận định: “Ngay cả khi châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới và thị trường lao động thắt chặt, chúng tôi kỳ vọng lạm phát lõi sẽ thấp hơn mục tiêu của ECB vào năm 2023”. Điều đó cho thấy, nền kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi trở lại mức trước đại dịch và sẵn sàng tăng trưởng GDP 4,6% vào năm 2022, do thị trường lao động mạnh mẽ hỗ trợ cải thiện chi tiêu của người tiêu dùng. Tại châu Á, sự phục hồi kinh tế phần lớn đang trở lại đúng hướng khi tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên đáng kể trên hầu hết các khu vực.
Đặc biệt trong bối cảnh này, các nhà kinh tế đã đưa ra ba định hình chính của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022, đó là công nghệ, chuỗi cung ứng và chủ nghĩa tiêu dùng.
Về công nghệ các nhà nghiên cứu ước tính rằng “nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 11,5 nghìn tỷ USD và chiếm gần 16% GDP toàn cầu”. Các công ty công nghệ đã vượt qua các công ty dầu khí để trở thành công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới. Sự mở rộng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, 5G, blockchain, tiền điện tử và Internet of Things (IoT) tiếp tục không suy giảm. Tự động hóa và tiến bộ kỹ thuật số đang chuyển lao động từ các kỹ năng cấp thấp đến trung bình sang các kỹ năng quản lý, kỹ thuật và phức tạp hơn; và các công nghệ mới xuất hiện dự kiến sẽ đóng góp vào 2/3 mức tăng trưởng năng suất tiềm năng trong thập kỷ tới. Nhờ sự phổ biến và lan tỏa của công nghệ và nền tảng kỹ thuật số, cùng với khả năng tiếp cận của chúng, chẳng hạn như mã nguồn mở, 1,35 triệu công ty khởi nghiệp công nghệ được khởi động mỗi năm và không chỉ ở các nước tiên tiến. Các công ty khởi nghiệp ở thị trường mới nổi đang nở rộ như: Nubank (Brazil), mPharma (Ghana), Momo (Việt Nam) và Mileus (Cộng hòa Séc).
Một yếu tố quan trọng khác định hình nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022 là chuỗi cung ứng. Sự gia tăng và thiếu hụt lao động, hàng hóa đã và đang làm tăng giá cả, thúc đẩy lạm phát. Mặc dù tình trạng tắc nghẽn ở cảng đang bắt đầu giảm bớt, nhưng triển vọng giá vận chuyển vẫn ở mức rất cao khi ngành này đối mặt với tình trạng thiếu hụt liên tục các công nhân vận tải và cảng.
Đối với năm 2022, chi tiêu của người tiêu dùng trong nền kinh tế rộng lớn hơn sẽ tăng lên, với các dịch vụ được thiết lập để phục hồi mạnh mẽ vượt quá 6,2%. Người tiêu dùng đang yêu cầu trải nghiệm cá nhân hóa nhiều hơn, mua hàng kỹ thuật số nhiều hơn và các doanh nghiệp đáng tin cậy hơn.
Ngoài ra, một loạt nhân tố quan trọng khác như năng lượng, cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, nhập cư… sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu vào năm 2022. Và đây sẽ là chìa khóa để thúc đẩy sự phục hồi lâu dài sau đại dịch…
Ý kiến ()