Kinh tế tháng 5 cơ bản phát triển ổn định
Ngày 27/5, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2016. Theo đó, về cơ bản, tình hình kinh tế tiếp tục phát triển, điểm đáng chú ý, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,36 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, về hoạt động xuất nhập khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 48,3 tỷ USD, tăng 7,7%. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 14,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015. Về nhập khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 19,2 tỷ USD (giảm 2,9% so với cùng kỳ). Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 4 xuất siêu 277 triệu USD; tháng 5 ước tính nhập siêu 400 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm xuất siêu 1,36 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,10 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục khả quan. Từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2016 thu hút 907 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,5669 tỷ USD, tăng 53,2% về số dự án và tăng 155,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời có 425 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 2,5921 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 10,159 tỷ USD, tăng 136,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 5,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,6176 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong tháng 5, cả nước có 10.019 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 101,2 nghìn tỷ đồng, tuy giảm 8,5% về số doanh nghiệp nhưng lại tăng 62,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% về số doanh nghiệp và tăng tới 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%. Nếu tính cả 655,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm là 1005,4 nghìn tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 5 tháng đầu năm 2016 là 531,9 nghìn người, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm là 12.999 doanh nghiệp, tăng tới 75,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đạt khá. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2015. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/5/2016 tăng 8,7% so với cùng thời điểm năm 2015 (thấp hơn mức tăng 11,5% của cùng thời điểm năm trước). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2016 tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,2%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,7%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.
Trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, các ao, đầm bị xâm nhập mặn nặng ở Đồng bằng sông Cửu Long, môi trường nước biến đổi làm cho thủy sản bị dịch bệnh, gây tổn thất lớn cho người nuôi. Nuôi cá tra tiếp tục đối mặt với tình trạng sức mua chững lại, giá giảm, người nuôi không có lãi nên vẫn bỏ trống ao, đầm. Nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tôm nuôi chậm lớn, dễ mắc bệnh. Hiện nay nhiều hộ nuôi vẫn chưa thả giống, chờ thời tiết thuận lợi và chỉ đạo của cơ quan chuyên môn để tránh gặp rủi ro. Tuy vậy, tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 2,4549 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước…
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()