Kinh tế Tây Ban Nha cải thiện, hấp dẫn giới đầu tư
Tây Ban Nha đang bắt đầu hấp dẫn giới đầu tư, không chỉ bởi giá tài sản ở nước này đã giảm xuống mức hợp lý để mua, mà còn vì rõ ràng là nền kinh tế này đã có sự cải thiện đáng kể vào đầu năm nay, dù để có thể tăng trưởng bền vững và đảm bảo việc làm sẽ còn cần thêm thời gian.
Trước khủng hoảng, động lực của nền kinh tế Tây Ban Nha là nhu cầu được tạo ra bởi bong bóng trong lĩnh vực bất động sản và cả tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm đã bị đánh đổi bằng lĩnh vực thương mại.
Thế nhưng, khủng hoảng đã làm nhu cầu trong nước giảm sút và hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn khi chi phí lao động trung bình tính trên mỗi đơn vị sản phẩm tăng mạnh lại kết hợp với việc đồng euro bị định giá quá cao đã làm xói mòn khả năng cạnh tranh.
Thêm vào đó, nhu cầu còn bị ảnh hưởng khi những thiệt hại của các ngân hàng trong bối cảnh khủng hoảng đã khiến tín dụng cho các hộ gia đình bị thắt chặt và hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế.
Ngoài ra, những quy định ngặt nghèo đã làm giảm độ linh hoạt về cơ cấu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, con đường phục hồi dù khó khăn và kéo dài của kinh tế Tây Ban Nha cũng đã hiện ra khá rõ ràng và cụ thể.
Đầu tiên, chi phí lao động cần phải giảm xuống mức có thể giúp lấy lại được khả năng cạnh tranh, một quá trình không dễ dàng khi thiếu vắng một cơ chế tỷ giá. Thực tế thì chi phí lao động của Tây Ban Nha sau khủng hoảng đang giảm đáng kể, hướng đến các mức như tại Đức.
Tiếp đến, cả vốn và lao động cần được tập trung cho thương mại, lĩnh vực mà những căng thẳng về nhu cầu có thể được giải quyết phần nào.
Ý thức được rằng nền kinh tế sẽ không được hưởng lợi từ sự khôi phục khả năng cạnh tranh nếu không có những thay đổi về cơ cấu, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một cải cách lớn đối với thị trường lao động vào đầu năm ngoái.
Dù gây tranh cãi bởi đã bãi bỏ một số biện pháp bảo vệ nhất định đối với người lao động, cải cách này cũng đã mang lại kết quả bước đầu.
Dù đầu tư trong nước vẫn bị hạn chế bởi khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn của châu Âu và Mỹ Latinh đã bắt đầu đầu tư vào Tây Ban Nha, một phần là bởi sức cạnh tranh sự linh hoạt về cơ cấu đã tốt hơn và nhu cầu trong nước lâu dần cũng sẽ phục hồi.
Vốn tư nhân cũng đang được đổ vào nền kinh tế nước này, không chỉ bởi các mức giá tài sản hấp dẫn mà còn vì tiềm năng tăng trưởng ở đó.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()