Kinh tế số tăng trưởng nhanh nhưng còn nhiều thách thức
Ngày 10/10 hằng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn làm ngày chuyển đổi số quốc gia. Chiến lược “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 30% GDP vào năm 2030. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều giải pháp đột phá.
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đóng góp của kinh tế số trong GDP ngày càng tăng, tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số – Xã hội số, Bộ TT&TT, chiến lược chuyển đổi số quốc gia đề ra 17 mục tiêu đến năm 2025. Tính đến tháng 6/2023, có 2 mục tiêu đã hoàn thành, đó là tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động và tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, chiếm tỷ lệ 11,8%. Bên cạnh đó có 15 mục tiêu đang được thực hiện, đạt tỷ lệ 88,2%; 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2024, đạt tỷ lệ 11,76%; 6 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2025, đạt tỷ lệ 35,29%; 7 mục tiêu còn thách thức, tỷ lệ 41,17%, chủ yếu chưa có số liệu thống kê chính thức, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương kịp thời nghiên cứu phương pháp thống kê, đo lường…
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, thực tiễn phát triển kinh tế số, xã hội số thời gian qua vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi số lượng nền tảng số quốc gia được triển khai rộng rãi chưa nhiều; nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều; những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số còn chậm…
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất do Bộ TT&TT phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như chiến lược đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần so với tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20-25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, muốn kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và động lực mới. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt là thu hút nhân tài số.
Chia sẻ với PV Báo CAND về những giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số, chính phủ số và xã hội số, đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ TT&TT cho biết: Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương có các giải pháp đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Về thể chế số, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã ban hành năm 2023 và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, Bộ TT&TT cùng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các nghị định và các văn bản hướng dẫn luật để thúc đẩy giao dịch điện tử trên không gian mạng.
Về phát triển hạ tầng số làm nền móng phát triển kinh tế số, Việt Nam đạt được thành tích nổi bật. Để đạt được mục tiêu mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh trong năm 2024 và đảm bảo cơ bản khoảng 90% mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang băng rộng vào năm 2024, Bộ TT&TT có các giải pháp mang tính quyết liệt như: Tắt sóng 2G vào năm 2024; thực hiện từng bước theo một lộ trình cụ thể hỗ trợ mỗi một hộ có một thiết bị thông minh, sau đó sẽ là mỗi một người dân trưởng thành một điện thoại thông minh.
Về nhân lực số, Việt Nam đã có 160/240 cơ sở giáo dục có đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật CNTT, điện tử viễn thông và tương đương. Các trường đại học hiện có bổ sung thêm một số ngành nghề đào tạo mới như Khoa học dữ liệu, AI, Kinh tế số, nhờ đó số lượng tuyển sinh năm 2022 tăng 16% so với 2021. Để đảm bảo đào tạo đáp ứng được yêu cầu, Bộ TT&TT đề xuất các ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình đại học số, cao đẳng số; cho phép chuyển đổi phù hợp một số văn bằng, chứng chỉ CNTT, công nghệ số của các cơ sở có uy tín sang tín chỉ học của bộ môn tương ứng..
Bộ TT&TT cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số, chuyển đổi số từng khâu sản xuất lên online. Đến nay đã có trên 30% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số; mạng lưới tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã hình thành. Bộ TT&TT cũng đã tích cực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài. Năm 2022, Việt Nam đã có khoảng 1.400 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 20% so với năm trước.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã ban hành danh mục 35 nền tảng số cần ưu tiên đầu tư. Trong năm 2023, có 8 nền tảng số quốc gia là Định danh điện tử quốc gia VneID, Bảo hiểm xã hội VSSID, Truyền hình Việt Nam VTVGO, nền tảng hóa đơn điện tử, nền tảng cửa khẩu số, nền tảng họp trực tuyến và tiếp tục đề xuất tập trung thử nghiệm thúc đẩy 10 nhóm nền tảng tương ứng với các ngành, các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.
Bộ TT&TT cũng khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đưa vào vận hành những nền tảng đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng; đồng thời, chuyển dịch vai trò bảo đảm an toàn thông tin mạng về các doanh nghiệp nền tảng số lớn, các doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo 100% người dân được bảo vệ an toàn thông tin ở mức cơ bản trên môi trường số; thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng an toàn, an ninh mạng.
Nguồn:https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/kinh-te-so-tang-truong-nhanh-nhung-con-nhieu-thach-thuc-i709817/
Ý kiến ()