Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại bất chấp đại dịch
Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa thông báo, trong quý 2/2021, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bất ngờ tăng trưởng trở lại, bất chấp việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 16/8, Văn phòng Nội các Nhật Bản thông báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bất ngờ tăng trưởng trở lại trong quý 2/2021, bất chấp số ca mắc mới Covid-19 gia tăng, buộc chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở 10 trong tổng số 47 tỉnh, thành phố trong gần 2 tháng.
Theo dữ liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý 2/2020 tăng 1,3% so cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so quý trước đó. Đây là mức tăng GDP thực tế đầu tiên của nước này trong 2 quý đầu năm 2021.Trong khi đó, GDP danh nghĩa chỉ tăng 0,2% so cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so quý trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại sau khi tăng trưởng âm trong quý 1/2021 là do sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Trong quý 2/2021, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng tới 2,9%, trong khi chi tiêu dùng cá nhân cũng tăng 0,8%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, xuất khẩu của nước này tăng, nhưng là quý đầu tiên chi tiêu dùng cá nhân phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, theo một quan chức Chính phủ Nhật Bản, do ảnh hưởng của việc thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu đối với ngành công nghiệp phụ trợ, nên các hoạt động xuất khẩu liên quan đến ô-tô chưa đạt mức tối đa như mong muốn, song nhu cầu đối với thiết bị sản xuất chip và máy móc công nghiệp khác khá lớn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, đầu tư của khối doanh nghiệp, 1 trụ cột quan trọng khác của nhu cầu trong nước, cũng tăng 1,7%. Nhập khẩu của Nhật Bản trong quý 2/2021 tăng 5,1%, chủ yếu là việc mua vaccine ngừa Covid-19.
Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nước này bắt đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở Thủ đô Tokyo và ở 3 tỉnh miền tây gồm Osaka, Kyoto và Hyogo từ ngày 25/4.
Trong tháng 5, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đã lần lượt đưa thêm 6 tỉnh khác vào danh sách này và chỉ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành phố (ngoại trừ Okinawa) từ ngày 20/6.
Phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 chiếm khoảng 50% quy mô của nền kinh tế Nhật Bản và hơn 40% dân số của nước này. Do đó, điều khiến không ít chuyên gia kinh tế ngạc nhiên là chi tiêu dùng cá nhân không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng khẩn cấp lần thứ 3.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cao hơn so dự đoán 0,7% hằng năm của các nhà kinh tế khu vực tư nhân, song mức tăng này vẫn quá chậm để có thể bù đắp cho mức giảm 3,7% trong quý trước đó.
Giới phân tích cho rằng, việc Nhật Bản triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 chậm hơn nhiều nước khiến nước này thiếu đi động lực phục hồi kinh tế, sau mức sụt giảm kỷ lục hồi năm 2020 do tác động của đại dịch.
Trong quý 2/2020, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm 6,5%, trong khi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng 8,3%.
Trước đó, trong quý 1/2021, GDP thực tế của Nhật Bản ước giảm tới 5,1% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 1,3% so quý trước đó do ảnh hưởng của việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2.
Ý kiến ()