Kinh tế nền tảng: Cần hiểu rõ cái mới để tránh áp vào cái cũ
Kinh tế nền tảng và sự “lột xác” của ngành du lịch, vận tải
Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết, trên thế giới có 2 nền tảng nổi tiếng hoạt động như một sàn giao dịch trực tuyến kết nối thuê nhà tư nhân, đó là HomeAway (thành lập năm 2005) và AirBnb (2009). Nếu như HomeAway cung cấp kết nối cho hơn 2 triệu nhà nghỉ dưỡng và hoạt động tại 190 quốc gia thì AirBnb hoạt động tại 119 quốc gia với hệ thống phòng trên 5 triệu tài sản tại 81.000 thành phố.
“Các nền tảng này không sở hữu, thuê, quản lý hay kiểm soát bất kỳ tài sản nào mà nhiệm vụ chỉ là đăng tin về phòng trống, xử lý khâu thanh toán, mua bảo hiểm hư hỏng tài sản cho chủ nhà. Công ty sẽ thu phí 9-12% giá trị của mỗi lệnh đặt phòng”, TS. Ngô Trí Long cho hay.
Mô hình kết nối này cũng đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015 với khoảng 1.000 phòng, đến nay số phòng nghỉ niêm yết trên AirBnb đã lên tới hơn 16.000 phòng.
Tuy nhiên, TS. Ngô Trí Long cũng phải thừa nhận, sự có mặt của AirBnb đã gây xáo trộn trên 2 thị trường là thị trường lưu trú ngắn hạn (gồm nhà nghỉ, khách sạn) và thị trường cho thuê nhà dài hạn. Nguyên nhân bởi các chủ nhà cho thuê trên AirBnb không phải chịu những quy định kinh doanh khách sạn ngặt nghèo và lợi nhuận cho thuê phòng ngắn hạn cao hơn rất nhiều so với cho thuê dài hạn.
Ngành vận tải và giao nhận hàng hoá cũng chứng kiến sự “lột xác” ngoạn mục khi xuất hiện Uber (hiện đã rút khỏi Việt Nam); Grab, VATO, T.NET, Emddi (đặt xe trực tuyến), GoNow (sàn giao dịch vận tải hành khách); Dichung.vn (kết nối đi chung xe), Now.vn (giao nhận thức ăn), Vexere (so sánh giá và đặt vé xe)…
TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế (Viện Nhà nước và pháp luật) cho rằng, các dịch vụ mới trên nền tảng số liên tục được phát triển với sự tối ưu về chi phí giao dịch không chỉ mang lại những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng mà còn tạo ra hàng loạt hệ quả tích cực như: Giá cả rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, cách thức giải quyết tranh chấp đơn giản hơn, các nguồn lực nhàn rỗi được tận dụng và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội.
Ngoài ra, nó còn tạo ra áp lực cần thiết để các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống phải đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ quản lý để tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.
Cần phối hợp liên ngành khi soạn thảo chính sách
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, gần đây, vấn đề về nền tảng trở nên rất nóng hổi trong 2 lĩnh vực dịch vụ vận tải (Uber, Grab), và lưu trú (AirBnB). Đây là vấn đề được tranh cãi rất nhiều, rằng họ là các đơn vị cung cấp nền tảng hay là đơn vị cung cấp dịch vụ (vận tải, lưu trú).
“Trong lĩnh vực thương mại điện tử, đơn vị cung cấp sàn thương mại điện tử, nền tảng phải tuân thủ nghĩa vụ chung trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Nghị định 52 dành cả một Chương để điều chỉnh các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (bao gồm dịch vụ sàn đấu giá, sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm giá) trên nền tảng công nghệ thông tin – đó chính là các nền tảng/platform thương mại điện tử. Trong đó, cũng phân định rõ quyền và trách nhiệm của các đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử, các nền tảng, và quyền và trách nhiệm của các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng đó”, bà Lại Việt Anh cho biết.
Tuy nhiên, về cách tiếp cận của Nhà nước trong việc điều chỉnh các đối tượng có thể tham gia thị trường nền tảng, bà Lại Việt Anh đặt câu hỏi: “Có nên áp dụng những khuôn khổ pháp lý cũ về kinh doanh cho các đối tượng kinh doanh đó không? Liệu có nên yêu cầu tất cả các thành phần kinh doanh tuân thủ các điều kiện, quy định hiện hành không, hay nên vì sự phát triển của kinh tế nền tảng, mà “mở” cho các đối tượng đó tham gia kinh tế nền tảng?”.
Còn PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, trong xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải hay giao nhận, hàng, thực phẩm, dược phẩm…
“Nếu tất cả các ngành đều coi một nền tảng thuộc về lĩnh vực của mình thì ngày mai khi xuất hiện một nền tảng mới chúng ta sẽ lại phải mất tới 2-3 năm nữa để tranh cãi, loay hoay tìm câu trả lời”, ông Long nhận định.
Thêm vào đó, TS. Long cho rằng, không nên biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần bằng việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh.
Lấy dẫn chứng trong lĩnh vực vận tải, TS. Ngô Trí Long cho biết, trong dự thảo Nghị định 86 mới về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ GTVT có quy định “dịch vụ tham gia vào điều hành xe và quyết định giá sẽ là kinh doanh vận tải” là trái với Luật Giao thông đường bộ, bên cạnh đó còn hạn chế số lượng hợp đồng với mỗi xe hợp đồng, như vậy là hạn chế nền kinh tế chia sẻ.
TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương thì nêu quan điểm: “Các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ, mà có thể lựa chọn một hoặc một số các công đoạn để đầu tư. Đây cũng chính là lý do để kinh tế nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua trên phạm vi toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có quan điểm nhất quán, thống nhất và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng. Đồng thời, cần có tầm nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng. Việc ban hành chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()