Kinh tế Mỹ la-tinh và vùng Ca-ri-bê phục hồi khá
Trong năm 2010, khu vực các nước Mỹ la-tinh được đánh giá có mức tăng trưởng kinh tế chung cao thứ hai trên thế giới, sau khu vực châu Á. Bên cạnh những nỗ lực tăng cường hợp tác và liên kết giữa các nước trong khu vực, chính phủ nhiều nước Mỹ la-tinh đang chú trọng mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại với các nước châu Á, EU và A-rập.Nhận định về tình hình kinh tế các nước Mỹ la-tinh trong năm qua, Phó Tổng Thư ký LHQ và là Thư ký chấp hành Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê của LHQ (ECLAC) A-li-xi-a Bác-xê-na nêu rõ, quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng đã diễn ra ở hầu hết các nước khu vực này. Theo báo cáo của ECLAC, sau khi giảm 1,9% năm 2009, các nền kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có mức tăng trưởng trung bình 6% trong năm 2010, cao hơn mọi dự báo, trong đó các nước Nam Mỹ có mức tăng trưởng trung bình 6,6%. GDP tính theo đầu người đạt trung bình 4,8%, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,2% năm 2009...
Nhận định về tình hình kinh tế các nước Mỹ la-tinh trong năm qua, Phó Tổng Thư ký LHQ và là Thư ký chấp hành Ủy ban Kinh tế khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê của LHQ (ECLAC) A-li-xi-a Bác-xê-na nêu rõ, quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng đã diễn ra ở hầu hết các nước khu vực này. Theo báo cáo của ECLAC, sau khi giảm 1,9% năm 2009, các nền kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có mức tăng trưởng trung bình 6% trong năm 2010, cao hơn mọi dự báo, trong đó các nước Nam Mỹ có mức tăng trưởng trung bình 6,6%. GDP tính theo đầu người đạt trung bình 4,8%, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 8,2% năm 2009 xuống 7,6% năm 2010. Số người nghèo ở khu vực giảm xuống còn khoảng 180 triệu người, tương đương mức của năm 2008, thời điểm trước khủng hoảng tài chính thế giới. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê trong năm 2010 đạt 853 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2009, trong đó trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực tăng 17,5%.
Tuy nhiên, ECLAC dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2011 của khu vực sẽ ở mức 3,8% do tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn không ổn định. Báo cáo cũng chỉ rõ vấn đề quan trọng nhất của khu vực Mỹ la-tinh hiện nay là tiếp tục cải thiện khoảng cách về thu nhập, nơi mà 10% người giàu nhất chiếm tới 48% tổng thu nhập trong khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, một thách thức đối với khu vực Mỹ la-tinh hiện nay là đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và đổi mới để nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực. Ngoài ra, khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê bị ảnh hưởng nặng nề của sự biến đổi khí hậu. Gần đây là những trận bão nhiệt đới, mưa lũ và hạn hán đã và đang tàn phá nhiều khu dân cư và cánh đồng trồng ngũ cốc của các nước. Theo thống kê của ECLAC, 98 thảm họa thiên nhiên lớn tại khu vực trong năm 2010 đã cướp đi sinh mạng của hơn 223 nghìn người, ảnh hưởng cuộc sống của 13,8 triệu người và gây thiệt hại vật chất hơn 49 tỷ USD. Trận động đất lịch sử 8,8 độ rích-te xảy ra ở Chi-lê ngày 27-1-2010 làm 521 người thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 30 tỷ USD. Trận động đất 7 độ rích-te ở Ha-i-ti làm hơn 200 nghìn người thiệt mạng và gây thiệt hại vật chất gần tám tỷ USD. Các trận mưa lớn gây lũ lụt và lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của tại Bra-xin, Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la. Trận lũ lụt lịch sử tại TP Ri-ô đê Gia-nây-rô của Bra-xin đầu năm nay đã làm ít nhất 741 người chết, 207 người mất tích. Nhà nước Bra-xin quyết định tổ chức quốc tang trong ba ngày tưởng nhớ các nạn nhân.
Theo ECLAC, nguyên nhân của sự phục hồi kinh tế là các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và các nước có tiềm năng kinh tế lớn đã thúc đẩy mạnh các hoạt động kinh tế toàn khu vực cũng như tăng xuất khẩu. Chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn của nhiều nước trong khu vực trong nhiều năm trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã giúp những nước này có khu vực kinh tế công vững chắc, giảm nợ và tăng dự trữ ngoại tệ, chống đỡ hiệu quả khủng hoảng kinh tế toàn cầu và phục hồi nhanh hơn dự kiến. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại giữa các nước trong khu vực, thời gian qua, nhiều nước Mỹ la-tinh mở rộng làm ăn với các nước ở châu Á và EU. Riêng kim ngạch buôn bán với Trung Quốc chiếm gần 50% tổng kim ngạch ngoại thương của cả khu vực Mỹ la-tinh. Sự hợp tác và xích lại gần nhau giữa Mỹ la-tinh và các nước A-rập đang được củng cố. Hội nghị cấp cao Mỹ la-tinh và A-rập lần thứ nhất đã được tổ chức năm 2005 tại Bra-xin và lần thứ hai vào năm 2009 tại Ca-ta. Hội nghị lần thứ ba sẽ được tổ chức vào tháng 2-2011 tại Pê-ru. Thí dụ, các quốc gia A-rập hiện là bạn hàng thương mại lớn thứ ba của Bra-xin, với kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2010, chiếm tới 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Tại Hội nghị cấp cao I-bê-ri-a – Mỹ la-tinh ở thành phố Ma đên Pla-ta của Ác-hen-ti-na cuối năm 2010, lãnh đạo cấp cao 22 nước đã thông qua 13 văn kiện chính thức và Tuyên bố Ma đên Pla-ta cam kết tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy thương mại, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong đó có một thỏa thuận về giáo dục với tổng số tiền đầu tư lên tới 100 tỷ USD trong thập niên tới, theo đó, lãnh đạo các nước nhất trí đề ra mục tiêu xóa nạn mù chữ trong toàn khu vực từ nay đến năm 2015, phổ cập giáo dục tiểu học và đẩy mạnh giáo dục ở các cấp, hướng tới những đối tượng xã hội thiệt thòi như trẻ em gái, trẻ em nghèo dân tộc thiểu số… Hội nghị cũng kêu gọi chấm dứt cuộc bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cu-ba, đồng thời đề xuất thành lập Cộng đồng các nhà nước Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê trong tương lai.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()