Kinh tế Mỹ có thể giảm 33,5% trong quý hai, tỷ lệ thất nghiệp 12-13%
Theo dự báo của Credit Suisse, GDP của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ giảm 33,5%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1945, cho thấy sự ảnh hưởng rõ ràng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ.
Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị ở Washington D.C, Mỹ ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng
Ngày 6/4, ngân hàng Credit Suisse dự báo về mức giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kỷ lục của Mỹ trong quý 2/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Theo dự báo của Credit Suisse, GDP của Mỹ trong quý 2/2020 sẽ giảm 33,5%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1945, cho thấy sự ảnh hưởng rõ ràng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ.
Trước đó, mức giảm GDP theo quý thấp nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là 8,4% và 10% trong quý đầu tiên của cuộc khủng hoảng Eisenhower năm 1958.
Tuy nhiên, theo Credit Suisse, nền kinh Mỹ sẽ được phục hồi theo biểu đồ tăng trưởng nhẹ hình chữ “V” vào quý 3 năm nay khi hết dịch với GDP sẽ tăng vọt lên 19% trong quý 3 và 11% trong quý 4/2020.
Dự báo của Credit Suisse cũng cho biết, GDP cả năm 2020 của Mỹ sẽ giảm 5,3%, cao hơn mức giảm 2,8% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cùng với dự báo ảm đạm về mức sụt giảm GDP của ngân hàng Credit Suisse, một loạt ngân hàng và chuyên gia kinh tế khác cũng dự báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái hoặc đã ở trong tình trạng khủng hoảng do dịch COVID-19 khi các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng đang bị hạn chế.
Trong bối cảnh trên, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Larry Kudlow cùng ngày cho biết các cố vấn Nhà Trắng đang thảo luận về khả năng phát hành trái phiếu kho bạc Mỹ liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ông Kudlow, hiện là lúc Mỹ nên bán ra các loại trái phiếu để bổ sung nguồn tài chính quỹ phục vụ những nỗ lực giảm nhẹ hậu quả từ đại dịch COVID-19 và một “trái phiếu chiến tranh” là một ý tưởng tốt, đồng thời khẳng định đây sẽ là sự đầu tư dài hạn đối với tương lai của sức khỏe, sự an toàn và nền kinh tế Mỹ .
Cựu Chủ tịch Fed: Tỷ lệ thất nghiệptại Mỹ có thể đã ở mức 12-13%
Ngày 6/4, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đã ở mức 12 hoặc 13%, cao hơn mức cao nhất trong cuộc Đại suy thoái.
Trong một cuộc phỏng vấn của hãng CNBC, bà Yellen cho rằng nếu có một thống kê thất nghiệp kịp thời, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ lên tới 12% hoặc 13% vào thời điểm này và tiếp tục tăng lên cao hơn.
Báo cáo việc làm hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng từ 3,5% trong tháng Hai lên 4,4% trong tháng Ba.
Tuy nhiên, báo cáo này dựa trên dữ liệu từ đầu tháng, trước khi nhiều chính quyền tiểu bang đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và yêu cầu mọi người ở nhà. Điều này đã dẫn đến con số gần 10 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ chỉ sau hai tuần.
Bà Yellen cũng đặt ra nghi ngờ về việc liệu sự phục hồi kinh tế có nhanh như nhiều người hy vọng hay không, với sự sụt giảm nhanh chóng như hiện tại. Chuyên gia này nhận định sự phục hồi là có thể, song cho rằng kết quả sẽ tồi tệ hơn và nó thực sự phụ thuộc vào mức độ thiệt hại trong thời gian nền kinh tế ngừng hoạt động.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/4/2020.
Các nhà phân tích y tế công cộng dự đoán số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ sẽ đạt đỉnh ngay trong tuần này, dù dự đoán này cũng gặp những quan điểm trái chiều khác nhau.
Dịch COVID-19 tại thành phố New York được nhận định là đang đạt đỉnh, trong khi một số thành phố lớn như Detroit và New Orleans lại cho thấy dấu hiệu bùng phát gia tăng.
Nguy cơ sản lượng thu hoạch giảm tại các nông trại ở Mỹ do thiếu lao động nước
Gần 250.000 lao động nước ngoài, phần lớn đến từ Mexico đã giúp các chủ nông trại Mỹ thu hoạch rau củ, hoa trái mỗi năm.
Theo ông Dave Puglia – Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà nông nghiệp miền Tây, tổ chức đại diện cho các công ty rau quả ở các bang như California và Arizone, việc người lao động nước ngoài bị trì hoãn nhập cảnh vào nước này là mối đe dọa đối với chủ nông trại vốn phụ thuộc vào lực lượng lao động này để kịp thu hoạch vụ mùa.
Ông cho biết lao động nước ngoài tại Mỹ không phải chờ 14 ngày cách ly trước khi bắt đầu làm việc, mặc dù các chủ nông trại nỗ lực trong việc để người lao động giữ khoảng cách trong quá trình làm việc ở nông trại.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Thu hoạch D&J and Sons ở Florida, Dannie Sanchez đang chờ được cho phép tiếp nhận khoảng 200 lao động thời vụ khi các vườn trồng việt quất ở Florida đã chín đang chờ người hái và cánh đồng măng tây ở Michigan sắp được thu hoạch.
Abad Hernandez Cruz, người lao động Mexico đang thu hoạch hành tây ở bang Georgia, cho biết nhiều lao động nước ngoài chưa tới đây làm việc được vì họ chưa được cấp visa do Mỹ giảm bớt hoạt động của một số lãnh sự quán ở nước ngoài nhằm đối phó với dịch COVID-19./.
Ý kiến ()