Kinh tế Hàn Quốc đón nhận nhiều thông tin kém khả quan
Theo Văn phòng Chính sách Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc, hiện bình quân mỗi người dân Hàn Quốc đang phải gánh mức nợ công lên tới 14 triệu won và có thể sẽ còn tăng gấp đôi đến năm 2028.
Số liệu chính thức từ Văn phòng Chính sách Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc (NABO) cho thấy mức nợ công bình quân đầu người của Xứ Kim chi hiện đã vượt quá ngưỡng 14 triệu won (11.864 USD) và dự kiến sẽ tăng gấp đôi đến năm 2028.
Thông tin này tiếp tục thổi bùng lên quan ngại về nguy cơ những khoản nợ chồng chất sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến “sức khỏe tài chính” của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Theo NABO, nợ công bình quân đầu người của Hàn Quốc tính đến ngày 30/11 là 14,18 triệu won, cao hơn rất nhiều so với mức 7,23 triệu won trong cùng kỳ năm 2009.
Trong khi đó, NABO cũng dự đoán tổng nợ công của quốc gia Đông Á này sẽ tăng lên 1,49 triệu tỷ won vào năm 2028, so với mức 735.000 tỷ won hiện nay.
Nếu kịch bản này thật sự diễn ra và dân số dự kiến của Hàn Quốc đến năm 2028 đạt 51,94 triệu người, nợ công bình quân đầu người của Xứ Kim chi có thể tăng lên mức 28,7 triệu won trong vòng 9 năm tới.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ công trên GDP của Hàn Quốc cũng dự kiến tăng mạnh từ 38% trong năm 2019 lên 56,7% vào năm 2028, cũng theo NABO.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng chóng mặt của chỉ số nợ của Hàn Quốc trong những năm gần đây được giải thích bởi một chuỗi các sự kiện.
Khởi đầu là vào năm 1998, do chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nợ công của Hàn Quốc đã tăng đến 20.100 tỷ won.
Đến năm 2004, chỉ số nợ của nước này tiếp tục nhảy vọt thêm 37.900 tỷ won và sau đó là 50.600 tỷ won vào năm 2008, khi Hàn Quốc phải vật lộn để chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đánh dấu bằng việc Seoul tăng mạnh chi tiêu tài chính để điều chỉnh nền kinh tế đang ở trong tình trạng bất ổn, khiến nợ công vì thế tăng phi mã.
Nợ công của Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 111.000 tỷ won vào năm 2000 trước khi tiếp tục “cán” qua mốc 300.000 tỷ won chỉ 8 năm sau đó. Đến năm 2014, con số này đã tăng lên 500.000 tỷ won và tiếp tục thiết lập kỷ lục mới ở trên ngưỡng 600.000 tỷ won vào năm 2016.
Bên cạnh vấn đề nợ, Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KSE) cũng vừa công bố số liệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng loạt bán ra tổng cộng 3.500 tỷ won (2,97 tỷ USD) giá trị cổ phiếu của nước này chỉ trong tháng 11, đánh dấu đợt bán tháo lớn nhất trong năm 2019 tại “xứ Kim chi.”
Đây cũng là tháng thứ tư sàn giao dịch này ghi nhận xu hướng giới đầu tư nước ngoài bán ra nhiều cổ phiếu hơn là mua vào tại đây. Nhận định về xu hướng trên, các chuyên gia phân tích cho biết triển vọng kinh tế u ám, kết hợp với xu hướng tái cân bằng danh mục tài sản, là nguyên nhân chính khiến giới đầu tư tỏ ra “hững hờ” với thị trường chứng khoán địa phương.
Trước những thông tin có phần ảm đạm trên, Chính phủ Hàn Quốc hiện đang đề xuất một kế hoạch ngân sách cao kỷ lục với số tiền lên đến 513.500 tỷ won đến năm 2020 để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển chậm lại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết nợ quốc gia có thể tăng lên gần 40% GDP trong năm tới nếu Quốc hội phê chuẩn đề án ngân sách trên.
Nền kinh tế Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với một loạt “cơn gió ngược”, như mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác thương mại hàng đầu của Seoul, và những thẳng của nước này với Nhật Bản. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã ghi nhận xu hướng giảm trong 12 tháng liên tiếp tính tháng 11/2019.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á xuống còn 2% từ mức 2,2% trước đó./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()