Kinh tế Đức kỳ vọng khởi sắc
Chính phủ Đức cho biết đã tránh được kịch bản xấu nhất về suy thoái kinh tế sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, Đức vẫn đối mặt nhiều thách thức trong nỗ lực phục hồi bởi chưa thể ổn định nguồn cung và giá năng lượng bấp bênh, tiềm ẩn những rủi ro đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Một trung tâm thương mại tại Berlin, Đức, Ảnh: Reuters |
Đức chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga nên cuộc chiến khí đốt giữa Nga và phương Tây đã khiến nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng mạnh. Trong bối cảnh Nga, nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU), khóa van các đường ống vận chuyển vào tháng 9/2022, Đức đã nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đã nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tháng 12/2022, nước này đã khánh thành cơ sở tiếp nhận LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven. Mặc dù giá khí đốt có thể tăng trở lại, nhưng Đức tạm yên tâm khi vào mùa đông tới, dự trữ khí đốt được tăng lên và nguồn cung LNG dồi dào hơn.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới lục địa già, Đức đã phải vật lộn để tìm các nguồn cung thay thế. Na Uy và Mỹ trở thành những nguồn cung năng lượng mới của Đức, dù giá cao hơn.
Theo ông Robert Habeck, đến nay, Đức đã tránh được kịch bản xấu nhất đe dọa xảy ra vào mùa hè này, đó là suy thoái kinh tế và sự sụp đổ của ngành công nghiệp Đức. Người đứng đầu Bộ Kinh tế Đức cũng lạc quan rằng, các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện vẫn được lấp đầy hơn 90% công suất và sẽ tồn tại qua mùa đông, trong khi giá năng lượng tại nước này cũng đang giảm dần.
Báo cáo của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa công bố cho biết, dựa trên những thay đổi chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát của Đức đã giảm xuống 8,6% tháng 12/2022, nhưng lạm phát năm 2022 có thể ở mức cao kỷ lục 7,9%. Mặc dù vẫn ở mức cao, nhưng lạm phát tháng 12/2022 đánh dấu sự cải thiện đáng kể so mức 10% tháng 11/2022 và 10,4% tháng 10/2022, thời điểm lạm phát được ghi nhận cao kỷ lục trong vòng 70 năm.
Đến nay, Đức đã tránh được kịch bản xấu nhất đe dọa xảy ra vào mùa hè này, đó là suy thoái kinh tế và sự sụp đổ của ngành công nghiệp Đức. Các kho dự trữ khí đốt của Đức hiện vẫn được lấp đầy hơn 90% công suất và sẽ tồn tại qua mùa đông, trong khi giá năng lượng tại Đức cũng đang giảm dần.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck
Theo nhận định của chuyên gia Monika Schnitzer (M.Snít-dơ), thành viên Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề kinh tế, có thể phải đến năm 2024, lạm phát mới được kiểm soát trở lại. Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo) có trụ sở tại Munich dự báo, lạm phát chung trong năm 2023 của nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ giảm xuống 6,4%, thấp hơn so ước tính 7,8% năm 2022. Chính phủ Đức dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,4% năm nay và giảm 0,4% năm 2023.
Với lạm phát vẫn ở mức cao, nền kinh tế Đức tiếp tục chìm trong u ám. Theo các chuyên gia kinh tế, giá năng lượng sẽ không giảm trở lại mức trước khủng hoảng trong tương lai gần và điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với triển vọng kinh tế Đức năm 2023. Các công ty sử dụng nhiều năng lượng có nguy cơ rơi vào tình trạng bấp bênh.
Tăng trưởng của Đức sẽ vẫn bị kiềm chế cho đến năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu về hàng hóa suy yếu trên thế giới tác động đến nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Đức. Giá năng lượng tăng cao và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng phủ bóng lên triển vọng năm 2023. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát, các công ty Đức dự đoán, suy thoái kinh tế của Đức năm 2023 sẽ chỉ ở mức nhẹ, bất chấp những “cơn gió ngược” từ khủng hoảng năng lượng, tình trạng thiếu nguyên liệu thô và kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm (X.Ru-xvum) nhận định, hoạt động kinh tế trong quý cuối cùng của năm 2022 và đầu năm 2023 có khả năng suy giảm, song chỉ ở mức nhẹ. Theo ông Russwurm, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Đức đủ sức chống đỡ với những ảnh hưởng từ cuộc suy thoái vốn bắt nguồn từ việc Nga ngừng cung cấp khí đốt. Theo Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã giảm dần. Chi phí vận tải hàng hóa qua container đang dần được bình ổn, trong khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế đang được tháo gỡ.
Cho dù còn không ít khó khăn ở phía trước, song những chỉ số hạ nhiệt lạm phát và nỗ lực ổn định nguồn cung năng lượng của Chính phủ Đức đem lại hy vọng về sự khởi sắc hơn của kinh tế Đức trong năm mới.
https://nhandan.vn/kinh-te-duc-ky-vong-khoi-sac-post733792.html
Ý kiến ()