Kinh tế cửa khẩu: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
(LSO) – Với lợi thế là tỉnh biên giới, trong những năm qua, Lạng Sơn đã đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp các cửa khẩu trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cửa khẩu – vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Những năm gần đây, bằng các nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Hữu Nghị, qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua đây.
Tính từ năm 2013 đến nay, hệ thống hạ tầng đường giao thông, nhà công vụ, trạm trung chuyển hàng hóa, bãi tập kết, kiểm tra hàng hóa XNK… đã được đầu tư, mở rộng. Đặc biệt, trong năm 2017, công trình tòa nhà CKQT Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa qua mốc 1119 – 1120 đã hoàn thành, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, XNK hàng hoá. Nếu như năm 2014, tổng kim ngạch XNK chỉ đạt 1,68 tỷ USD (tăng 76% so năm 2013), thì đến năm 2017 kim ngạch XNK qua đây đã đạt gần 2,3 tỷ USD. Dự kiến năm 2018, con số này sẽ vượt năm 2017.
Và với sự đầu tư đồng bộ của tỉnh, vào thời điểm này, toàn bộ cửa khẩu đã thực sự “thay da đổi thịt”. Hiện có tới hàng trăm doanh nghiệp XNK qua cửa khẩu. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống dịch vụ cửa khẩu đều hướng đến phục vụ doanh nghiệp.
Xe chở hàng hóa thực hiện xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Ông Phùng Trung Liên, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Chi Ma cho biết: Với sự quan tâm của tỉnh, hạ tầng tại khu cửa khẩu Chi Ma như: đường giao thông, bến bãi, trụ sở làm việc,…đã và đang được đầu tư, tạo diện mạo mới cho khu cửa khẩu. Đặc biệt, với việc công bố chính thức là cặp cửa khẩu song phương, kim ngạch XNK qua đây sẽ đạt cao hơn, ổn định hơn, qua đó giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Trong vài tháng trở lại đây, khi hệ thống cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Chi Ma cơ bản hoàn thiện, lượng hàng có thuế suất cao được thực hiện XNK qua Chi Ma đã tăng lên. Minh chứng rõ nét nhất, đó là số thu thuế từ hoạt động XNK của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đến ngày 31/8/2018 đã đạt gần 26 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, với việc chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương, triển vọng về một cửa khẩu lớn như CKQT Hữu Nghị đang trở thành hiện thực.
Kinh tế cửa khẩu được xác định là vùng kinh tế động lực, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định vị trí của Lạng Sơn đối với sự phát triển của khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, từ đó đến nay, việc tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu càng trở nên đúng hướng và cần thiết đối với Lạng Sơn nhằm tăng cường hoạt động thương mại, góp phần phát triển kinh tế theo phương châm “đa dạng hóa” hợp tác kinh tế, thương mại giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).
Tính từ 2009 đến nay, kinh tế cửa khẩu liên tục tăng trưởng ở mức cao. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thì mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 14%. Và trung bình hằng năm, nguồn thu thuế XNK chiếm khoảng 80% tổng số thu ngân sách toàn tỉnh.
Hiện UBND tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu, cùng với việc công bố chính thức cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc), tin rằng trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
TRÍ DŨNG - ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()