Kinh tế châu Âu vẫn u ám
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, bức tranh kinh tế của các quốc gia châu Âu vẫn khá u ám. Hoạt động kinh doanh ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 7 suy giảm mạnh hơn rất nhiều so với dự báo, và thách thức lạm phát vẫn nghiêm trọng.
Đồng tiền chung châu Âu. |
Thống kê cho thấy, hoạt động kinh doanh của Eurozone sụt giảm mạnh trong tháng 7 vừa qua, suy giảm mạnh hơn rất nhiều so với dự báo do nhu cầu đối với ngành dịch vụ then chốt, trong khi sản lượng sản xuất cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực Eurozone, do Ngân hàng Hamburg Commercial Bank của Đức phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 48,9 trong tháng 7 so với mức 49,9 trong tháng 6.
Đây cũng là chỉ số PMI thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, thấp hơn mức 49,7 do hãng tin Reuters ước tính sơ bộ trước đó. Trong khi đó, theo số liệu của hãng tin Reuters, PMI đối với ngành dịch vụ của Eurozone trong tháng 7 giảm xuống 51,1 so với mức 52 của tháng 6. PMI đối với ngành sản xuất của Eurozone trong tháng 7 giảm xuống mức 42,7 từ mức 43,4 trong tháng 6.
PMI vốn được coi là “thước đo sức khỏe” nền kinh tế và một nền kinh tế chỉ được công nhận tăng trưởng khi chỉ số này vượt ngưỡng 50 điểm. Bởi vậy, chỉ số PMI nêu trên là chỉ dấu đáng quan ngại của kinh tế Eurozone nói riêng, châu Âu nói chung.
Cyrus de la Rubia – nhà kinh tế trưởng đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HCOB-nhận định: “Ngành sản xuất và chế tạo vẫn là gót chân Achilles của khu vực Eurozone và các nhà sản xuất đã tiếp tục cắt giảm sản lượng với tốc độ tăng nhanh vào tháng 7”. Thực tế này phản ánh kinh tế Lục địa già đang tiếp tục đi theo chiều hướng suy giảm trong những tháng tới do ngành dịch vụ đang mất đà tăng trưởng.
Một chỉ dấu nữa cho thấy sự “ốm yếu” của kinh tế khu vực là nhu cầu vay vốn trong Eurozone giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố kết quả khảo sát theo quý cho thấy nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp trong Eurozone đã giảm sâu. Trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu, các ngân hàng trong Eurozone cũng báo cáo nhu cầu vay mua nhà trong quý II giảm dù mức giảm ít hơn các quý trước đó. Khảo sát cũng cho thấy việc các hộ gia đình trong Eurozone ngày càng bi quan cũng làm giảm nhu cầu tín dụng tiêu dùng.
Giới phân tích chỉ ra rằng, sự suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế đầu tàu khu vực là Đức và Pháp cùng các biện pháp chống lạm phát của ECB đã khiến kinh tế châu Âu tăng trưởng khó khăn. Theo số liệu mới nhất, hoạt động kinh tế của Đức đã thu hẹp khi sản lượng sản xuất lần đầu tiên giảm mạnh kể từ tháng 1/2023. Hoạt động sản xuất trong tháng 6 của Eurozone đã suy giảm nhanh hơn dự báo khi ECB duy trì chính sách siết chặt tiền tệ. Nhà kinh tế trưởng của HCOB Cyrus de la Rubia cho rằng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực công nghiệp rất cần vốn đang có phản ứng tiêu cực với quyết định tăng lãi suất của ECB.
Nhằm đưa lạm phát đang ở mức cao ngất ngưởng xuống mức mục tiêu là 2%, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng là 400 điểm cơ bản qua các đợt tăng khác nhau và ngày 27/7 cơ quan này đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,25 điểm phần trăm lên 3,75%, mức cao nhất trong 23 năm qua. Đây cũng là lần thứ 9 liên tiếp trong vòng một năm ECB tăng lãi suất nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát cao dai dẳng. Điều này được cho là làm giảm sức mua của những khách tiêu dùng và các doanh nghiệp vay nợ nhiều.
Việc tăng lãi suất đã khiến nhu cầu tiêu dùng suy yếu với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng qua dù giá cả hàng hóa thành phẩm đã hạ nhiệt. Vì vậy, một số nhà máy đã giảm số người làm, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021. Chỉ số việc làm của Eurozone cũng giảm xuống còn 49,8 từ mức 51,5 của tháng trước đó.
Sản xuất suy giảm, tiêu dùng yếu trong khi lạm phát vẫn dai dẳng, đang khiến bức tranh kinh tế châu Âu tiếp tục u ám. Tập đoàn dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Eurozone.
Các nhà kinh tế của Citigroup dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong năm 2023 sẽ ở mức 0,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Citigroup cũng đã giảm dự báo tăng trưởng GDP quý I/2023 của Đức – nền kinh tế số 1 châu Âu – từ 1% xuống còn 0,2%. Triển vọng u ám của kinh tế châu Âu không chỉ là chỉ dấu cảnh báo khó khăn với kinh tế khu vực, mà còn là tín hiệu báo động với kinh tế toàn cầu.
Nguồn:https://nhandan.vn/kinh-te-chau-au-van-u-am-post764938.html
Ý kiến ()