Kinh tế châu Á sẽ bứt phá ngoạn mục
Các nền kinh tế lớn tại châu Á sẽ có tầm ảnh hưởng trong năm 2018 và có xu hướng chiếm ưu thế trên bảng xếp hạng quy mô các nền kinh tế chỉ trong vòng vài thập kỷ tới.
Ảnh minh họa |
Đó là nhận định vừa được đưa ra bởi Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh).
Theo CEBR, nền kinh tế Ấn Độ – hiện đứng thứ 7 thế giới – có thể thăng lên hạng thứ 5 vào năm sau và chiếm giữ vị trí thứ 3 thế giới trong năm 2030. Trong quý đầu tiên của tài khóa này, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua sau khi Thủ tướng nước này Narendra Modi hồi tháng 11/2016 đưa ra quyết định thu hồi các đồng tiền có mệnh giá cao và cải tổ thuế. Tuy nhiên, theo CEBR, nền kinh tế Ấn Độ có thể bắt kịp, thậm chí vượt qua cả Pháp và Anh trong năm 2018.
Cũng theo nghiên cứu này, các nền kinh tế châu Á sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Đến năm 2032, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, sẽ có thêm 2 quốc gia châu Á khác là Hàn Quốc và Indonesia, lọt vào top 10 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm lĩnh vị trí số 1 từ tay nước Mỹ.
Trong khi đó, với những khó khăn phải đối mặt, việc Nhật Bản duy trì vị trí số 3 trong bảng xếp hạng của gần một thập kỷ tới và chỉ bắt đầu rớt xuống vị trí số 4 vào năm 2027 cũng có thể coi là nỗ lực không nhỏ. Những dữ liệu chính thức được công bố ngày 26/12 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng 11 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/1993. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang trên đà phục hồi dù còn chậm.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đạt mức 2,7% trong tháng 11, trong khi tỷ lệ số việc làm/ứng viên tăng nhẹ lên mức 1,56 (tức có 156 việc làm cho mỗi 100 người tìm việc) – mức cao nhất trong gần 44 năm qua. Những con số này được công bố giữa lúc Nhật Bản vừa ghi nhận 7 quý kinh tế tăng trưởng liên tiếp, chuỗi dài nhất trong 16 năm qua. Chuyên gia kinh tế cấp cao của Công ty Tài chính Nomura Securities, ông Masaki Kuwahara, nhận định kinh tế Nhật Bản dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018.
Những số liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy trong tháng 11/2017, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản được ghi nhận tăng tháng thứ 11 liên tiếp. Tuy nhiên, lạm phát chỉ ở mức 0,9%, vẫn còn xa mức mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương nước này đề ra, vốn được coi là yếu tố then chốt để vực dậy nền kinh tế.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()