Đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống
Đây là thời cơ thuận lợi để miền trung mở cửa ra biển lớn, lấy kinh tế biển làm bước đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Là một dải đất hẹp kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, nằm trong khu vực có thời tiết khắc nghiệt, nhưng bù lại cho nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng và lợi thế về biển. Nhưng miền trung chưa giàu, điều đó ai cũng biết, trăn trở và day dứt làm sao để miền trung được phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được tốt đẹp hơn. Trung ương Đảng và Chính phủ thấy rõ vấn đề này và Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 39/NQ-T.Ư về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 133 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định 148 về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Với thế đặc biệt lợi về biển, miền trung lại là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, người dân cần cù yêu lao động, luôn luôn có chí hướng dẫn đầu; trong cốt cách của người miền trung có thói quen là chiến thắng. Trên cơ sở Nghị quyết về Chiến lược biển, các tỉnh, thành phố miền trung phải có quyết tâm chính trị cao, với những quyết sách đúng đắn, tư duy sáng tạo, nhanh chóng đề ra chương trình hành động cụ thể trong tất cả các hướng và kế hoạch của từng bước đi. Chúng ta cần nhớ lời Bác căn dặn “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20” thì nghị quyết mới thật sự đi vào cuộc sống.
Tư duy và giải pháp để biến lợi thế thành hiện thực
Không ít người vẫn suy nghĩ và cho rằng, phát triển kinh tế biển chỉ là nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố có biển; và các ngành như giao thông vận tải, công thương, tài nguyên môi trường, thủy sản dầu khí…
Là quốc gia có biển nhưng Việt Nam chưa phải là đất nước có ngành biển phát triển. Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam chúng ta nói riêng có vai trò quan trọng về giao lưu và thương mại quốc tế, miền trung được xem là mặt tiền của biển. Vậy các tỉnh, thành phố miền trung phải có tầm nhìn xa và trông rộng, có tư tưởng vươn ra biển lớn, gắn kết đất liền với đại dương. Tư duy mới về Chiến lược biển luôn được xác định là một thể thống nhất bao gồm kinh tế trên biển, kinh tế duyên hải. Nghị quyết về Chiến lược biển là điều kiện vô cùng thuận lợi để các tỉnh, thành phố miền trung phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Vì miền trung là một dải đất hẹp, nằm trong không gian duyên hải, kinh tế biển phát triển có sức lan tỏa nhanh, lôi kéo các vùng khác cùng phát triển; đây là một lợi thế mà không nơi nào có được. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài những yếu tố khách quan về địa lý, địa kinh tế; không phải vì miền trung yếu về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển còn thấp… vấn đề đặt ra ở đây, trước hết là do công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của biển chưa thật đầy đủ. Mặt khác chưa phát huy được lợi thế so sánh với hai đầu đất nước. Các địa phương trong khu vực thiếu sự liên kết, hợp tác điều này đã nói nhiều, nhưng chưa thật sự bắt tay để cùng nhau làm. Tại Hội thảo liên kết phát triển bảy tỉnh duyên hải miền trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa), diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua là minh chứng cho thấy đã đến lúc phải liên kết hợp tác và bằng những chương trình hành động cụ thể trong tất cả các hướng và kế hoạch của từng bước đi, để miền trung thật sự ra biển lớn.
Để thực hiện tốt về phát triển Chiến lược biển, vấn đề đặt ra cho miền trung phải có tầm nhìn xa hơn về quy hoạch. Vấn đề quan trọng nhất là quy hoạch về năng lượng, quy hoạch về đất đai; phải nhìn trước và xa hơn về dân số, môi trường, đặc biệt chú trọng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đầu tư với quy mô lớn vào nguồn nhân lực và phát triển con người; đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, cảng biển. Tập trung xây dựng các đô thị ven biển; các khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội và Cam Ranh, đây là những hạt nhân quan trọng, động lực phát triển của vùng. Nhanh chóng xây dựng vịnh Vân Phong thành cảng trung chuyển có tầm cỡ quốc tế, một lợi thế không chỉ Khánh Hòa, của miền trung mà của cả nước. Là một thành phố trẻ, năng động, phát triển nhanh và đúng hướng của một đô thị văn minh, hiện đại, lại có vị trí hết sức quan trọng, Đà Nẵng cần phải được ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của miền trung và cả nước. Thừa Thiên – Huế có thành phố Huế, là đô thị loại 1, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival; là trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước; có hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với diện tích hơn 22 nghìn ha, lớn nhất khu vực Đông – Nam Á, đây là những điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những khu vực kinh tế biển phát triển mạnh, tạo động lực đưa tỉnh Thừa Thiên – Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Đà Nẵng, Huế được Trung ương xác định là hai trong năm thành phố trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, lại là đầu mối quan trọng nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây; các thành phố trung tâm cấp vùng: Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang và các tỉnh có ngành công nghiệp dầu khí như: Quảng Ngãi, Thanh Hóa đều nằm ven biển, nếu có một sự liên kết, hợp tác tốt thì kinh tế biển phát triển nhanh, giàu lên từ biển, dẫn dắt các vùng khác phát triển. Đưa miền trung sớm trở thành khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh của cả nước sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Ý kiến ()