Kinh tế Australia có dấu hiệu trì trệ trước thềm cuộc bầu cử
Trong thông báo ngày 10/5, RBA đã điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Australia cho năm tài chính hiện nay xuống còn 1,7%, thấp hơn 0,5% so với dự báo lần trước.
Trong khi chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Scott Morrison không ngừng nhắc tới một “nền kinh tế mạnh” trong chiến dịch vận động tranh cử diễn ra một tháng qua, thông báo chính sách tiền tệ mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) lại cho thấy một tương lai không thực sự sáng sủa của nền kinh tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong thông báo ngày 10/5, RBA đã điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Australia cho năm tài chính hiện nay xuống còn 1,7%, thấp hơn 0,5% so với dự báo lần trước.
RBA cho biết mức lương của người lao động tăng rất ít trong vòng 6 năm qua, ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong khi đó, giá bất động sản và tài sản của các hộ gia đình sụt giảm đáng kể.
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát trong hơn ba năm qua đạt 1,3% – mức thấp nhất trong lịch sử và dưới mức mục tiêu 2-3% mà RBA đặt ra.
Mặc dù việc làm tăng trưởng khá mạnh, nhưng chủ yếu là ở khu vực công và dịch vụ công cộng. Những khu vực chính thúc đẩy nền kinh tế lại đang thu hẹp.
Các ngành sản xuất, xây dựng và thương mại bán lẻ đã cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong năm 2018. Đầu tư nhà ở sụt giảm mạnh là nguyên nhân dẫn tới việc sa thải lao động trong ngành xây dựng.
Theo RBA, chỉ nhờ có tỷ lệ nhập cư cao mà Australia không rơi vào suy thoái chính thức.
Tăng trưởng liên tục trong 28 năm qua che giấu một thực tế là mức sống của người dân bị giảm sút. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5%, nhưng có hơn 13% lực lượng lao động thiếu việc làm và phải làm các công việc không ổn định với mức lương tương đối thấp, năng suất thấp.
Chuyên gia kinh tế lâu năm của Ngân hàng Westpac, ông Bill Evans, dự đoán thị trường lao động trong 6 tháng tới sẽ còn suy thoái và lạm phát tiếp tục yếu đi.
Theo các chuyên gia, sự suy thoái của nền kinh tế Australia chủ yếu là do nguyên nhân trong nước, bao gồm tiền lương tăng thấp và hậu quả của sự bùng nổ bất động sản không bền vững khiến các hộ gia đình phải gánh nhiều khoản nợ lớn.
Tác động bên ngoài lớn nhất đến nền kinh tế Australia được cho là từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Thông báo về chính sách tiền tệ của RBA được đưa ra trong bối cảnh Australia đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang, dự kiến diễn ra ngày 18/5 tới.
Trong bối cảnh cuộc vận động tranh cử đã bước vào giai đoạn cuối, hai chính đảng lớn của Australia là Công đảng và Tự do đang nỗ lực đưa ra các cam kết “mấu chốt” nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()