Kinh tế ASEAN+3 dự báo tăng trưởng 4,2% năm 2024
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay còn gọi là ASEAN+3 sẽ đạt 4,2% vào năm 2024 và tăng nhẹ lên mức 4,4% vào năm 2025.
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay còn gọi là ASEAN+3 sẽ đạt 4,2% vào năm 2024 và tăng nhẹ lên mức 4,4% vào năm 2025.
Nhà kinh tế trưởng của AMRO Hoe Ee Khor cho biết kinh tế của các nước ASEAN+3 là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 4,1%, trong khi các nước ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay.
Nhà kinh tế Hoe Ee Khor nhận định đà tăng trưởng của khu vực này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi liên tục của ngoại thương, khả năng phục hồi của nhu cầu trong nước và du lịch phát triển mạnh do chính sách thị thực được nới lỏng ở một số quốc gia.
Theo ông Khor, Việt Nam sẽ là quốc gia có hiệu suất tăng trưởng tốt nhất trong số các nước ASEAN và ASEAN+3 vào năm 2024 với mức dự báo đạt 6,2%, tiếp đến là Philippines và Campuchia với dự báo lần lượt là 6,1% và 5,6%.
Indonesia được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,1%, tiếp theo là Trung Quốc (5%), Malaysia (4,7%), Lào (4,5%), Brunei Darussalam (4%), Trung Quốc (3,3%), Thái Lan (2,8%), Hàn Quốc (2,5%), Singapore (2,4%), Myanmar (1,8%) và Nhật Bản (0,5%).
Tỷ lệ lạm phát tại các nước ASEAN+3 được dự báo ở mức 4,9% vào năm 2024 và sẽ giảm xuống 4,1% vào năm 2025. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tại các nước ASEAN dự báo ở mức 6,1% vào năm 2024 và sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2025.
Nhà kinh tế trưởng của AMRO phân tích một số rủi ro sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN+3 trong thời gian còn lại của năm 2024 và cả năm 2025.
Đầu tiên là sự tăng trưởng chậm lại rõ rệt ở Mỹ và châu Âu. Hiện đã xuất hiện lo ngại về việc tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại có khả năng ảnh hưởng đến sự phục hồi của xuất khẩu.
Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế mong manh của châu Âu đối mặt nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và chi phí năng lượng và vận chuyển hàng hóa có thể tăng vọt do xung đột địa chính trị.
Hơn nữa, những điều chỉnh kéo dài trong lĩnh vực bất động sản có thể cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm hơn tiếp tục ở Trung Quốc, tác động trong khu vực ASEAN sẽ được cảm nhận thông qua giá trị thương mại, đầu tư và du lịch thấp hơn.
Sự biến động của thị trường tài chính cũng cần được các nước trong khu vực ASEAN+3 theo dõi.
Khor cho rằng sự không chắc chắn về triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và khả năng nới lỏng các vị thế tài chính hơn nữa có thể tác động đến thị trường và tăng áp lực lên thị trường tài chính.
Ngoài ra, giá hàng hóa và chi phí vận tải toàn cầu tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.
Chu kỳ thời tiết La Niña khó lường có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực, trong khi căng thẳng địa chính trị, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến giá năng lượng và chi phí hậu cần./.
Ý kiến ()