Kinh tế 6 tháng đầu năm chuyển biến tích cực
6 tháng đầu 2015, các chính sách ban hành trong năm 2014 và đầu năm 2015 đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cả nước tận dụng cơ hội thuận lợi trong và ngoài nước, bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Theo số liệu vừa mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó quý I tăng 6,08%; quý II tăng 6,44%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không đáng kể, ở mức 0,86% so với cùng kỳ 2014. Bình quân mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm nay, CPI chỉ tăng 0,1%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động của một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Viettel (Ảnh: HNV) |
Điểm sáng đầu tiên vẫn ở tình hình sản xuất công nghiệp. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 9,3%; quý II tăng 10,2%), cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/6/2015 tăng 11,8% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức tăng 12,8% của cùng kỳ năm 2014. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2015 tăng 6,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 10,5%.
Điểm sáng tiếp theo là sự phát triển của các doanh nghiệp. Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 45.406 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2014. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, có 10.988 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 là 591,2 tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm là 651,4 nghìn người, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm là 4.708 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 27. 051 doanh nghiệp, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 8.898 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 18.153 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Đáng chú ý, số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8.507 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Nhìn chung, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thêm một điểm sáng nữa là tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, vận tải hành khách 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1610,9 triệu lượt khách, tăng 7,4% và 71,7 tỷ lượt khách.km, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính đạt 545,8 triệu tấn, tăng 5,7% và 107,1 tỷ tấn.km, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xây dựng 6 tháng đầu năm nay có nhiều chuyển biến tích cực, những khó khăn đang dần được tháo gỡ, nhiều dự án đầu tư lớn được khởi công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng có nhiều cơ hội triển khai hoạt động. Theo đó, giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước tính đạt 393,8 nghìn tỷ đồng.
Đầu tư phát triển cũng có những tín hiệu khả quan. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhiều biện pháp hiệu quả được thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình đã góp phần thúc đẩy thu hút và giải ngân dòng vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng theo giá hiện hành ước tính đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,1% GDP. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2015 thu hút 757 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3839,2 triệu USD, tăng 15,4% về số dự án và giảm 21% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có 281 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1654,2 triệu USD.
Bên cạnh các mặt tích cực, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Đó là tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản có yếu tố giảm. Sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay giảm so với vụ đông xuân trước cả về diện tích, năng suất và sản lượng chủ yếu do nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn, một số địa phương có diện tích lúa bị nhiễm mặn. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 921 nghìn ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ 2014.
Xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm gặp khó khăn do đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với một số ngoại tệ khác khiến cho thị trường nhập khẩu bị thu hẹp, trong khi cá tra xuất khẩu vẫn phải chịu mức thuế cao. Diện tích thả nuôi cá tra công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 3975 ha, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2014.
Nuôi tôm cũng gặp một số khó khăn do giá tôm trên thị trường giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngày, đêm chênh lệch cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến nuôi trồng tôm tại các địa phương. Diện tích nuôi thả tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 46 nghìn ha, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dầu vậy, về cơ bản vẫn phải khẳng định rằng, kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định và đạt được một số kết quả khá. Sản xuất trong nước có nhiều cải thiện. Tăng trưởng theo xu hướng tích cực. Các cân đối vĩ mô giữ ổn định.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu do năng lực cạnh tranh thấp, thương hiệu sản phẩm yếu và uy tín doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam. Tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong nước thể hiện nhiều bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nông dân. Điều này đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của các cấp, ngành cùng sự ủng hộ của cộng đồng với các chính sách điều hành để nền kinh tế nước ta tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu của cả năm 2015.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()