Kinh tế 2017: Chấm dứt công chức các sở, ngành hành doanh nghiệp
“Những bài toán kinh tế đặt ra từ năm 2011 đến nay vẫn còn ngổn ngang, như câu chuyện về tái cơ cấu ngân hàng, cổ phần hoá danh nghiệp Nhà nước… Bên cạnh đó, các yếu tố chính trị ở khu vực tác động vào nền kinh tế kinh khủng nhất cộng thêm những thử thách mạnh mẽ của thiên tai.”
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội nhấn mạnh về những thách thức trong nền kinh tế đang phải đối mặt, trong buổi tọa đàm thường niên “Làm ăn gì năm 2017?” do BizLIVE tổ chức, ngày 10/12, tại Thanh Hóa.
Thụ động trước biến đổi khí hậu
Ông Kiên cho rằng, biến đổi khí hậu không tự gây ra tình trạng ngập mặn, vấn đề ở đây là quá trình xử lý không tốt. Trên thực tế, khu vực sông Mekong bị ngăn nước đã tạo áp lực nên các cửa sông nhỏ, khiến ngập mặn là tất yếu.
“Về cơ cấu của nền kinh tế, chưa bao giờ lực lượng nông nghiệp mất ổn định và mong manh như hiện nay. Sáu tháng đầu năm, phát triển nông nghiệp là âm 0,1%, nhưng từ tháng Bảy, mưa thuận gió hoà, nông nghiệp tăng trưởng trở lại 0,68%. Như vậy có thể thấy, nền kinh tế bất định phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện tự nhiên, hiện nông nghiệp đóng góp khoảng 17-18% GDP của năm 2016, điều này càng cho thấy cơ cấu nền kinh tế còn nhiều ngổn ngang,” ông Kiên thẳng thắn đưa dẫn chứng.
Đối với tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng bản thân cơ cấu không thay đổi nhiều. Cụ thể, xuất khẩu chủ yếu vẫn tăng ở khối dệt may. Cuối năm 2016, xuất khẩu nhiên liệu giảm 28-29% về giá trị đồng thời kéo theo mức tăng trưởng công nghiệp từ gần 10% (năm 2015) xuống còn khoảng 7,4% (năm 2016).
Ngoài ra, giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) chỉ ra rằng, về nội tại nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề nợ xấu, nợ công và những bất lợi của doanh nghiệp.
“Tôi tán thành với việc điều hành tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu sang khu vực châu Âu, Nhật đang bị thiệt hại ghê gớm do đồng USD lên giá và Việt Nam giữ giá VND, khiến các doanh nghiệp này phải thua lỗ,” ông Mại nói.
Trao quyền cho doanh nghiệp
Ông Mại dự báo trong năm 2017, nếu tỷ giá USD và EUR lên đến 1:1, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó ông khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tỷ giá, như hỗ trợ lợi tức, lãi suất cho một số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu tại các khu vực này.
Dưới góc độ người làm nghiên cứu, ông Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng, năm 2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có rất nhiều cơ hội. Với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, các doanh nghiệp có thêm nhiều đất để tham gia vào ngành, lĩnh vực trước đây vốn là lĩnh vực đặc thù của Nhà nước.
“Phải đấu tranh thoái vốn Nhà nước để tối đa còn nắm 30%. Đối chiếu lại Luật Doanh nghiệp 2014, tổ chức, cá nhân nắm 30% vốn sẽ có quyền phủ quyết một số yêu cầu của doanh nghiệp, như vậy Nhà nước vừa không mất quyền, vừa trao lại quyền cho doanh nghiệp,” ông Kiên nói
Ngoài ra, ông Mại cũng nhấn mạnh, “yếu tố quyết định của năm 2017, Thủ tướng khẳng định ‘đã nói là phải làm,’ do đó đội ngũ công chức cần phải đổi mới. Đánh giá của thế giới về môi trường đầu tư của Việt Nam tăng 17 bậc, nhưng công chức các sở, ngành vẫn còn hành doanh nghiệp rất nhiều” ./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()