Kinh nghiệm tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa
LSO-Với mục đích chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa; đề xuất giải pháp để tuyên truyền hiệu quả trong thời gian tới nhằm tác động tới ý thức giữ gìn, phát huy bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa trong nhân dân, ngày 8/3/2014, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 22 (vòng 2).
Đoàn báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong khuôn khổ hoạt động của hội thảo |
Với chủ đề “Báo Đảng địa phương với công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử – văn hóa vì sự phát triển và hội nhập”, hội thảo thu hút 25 báo Đảng với trên 150 nhà báo tham dự. Tại đây, nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa đã được trao đổi, chia sẻ. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn lãnh đạo một số cơ quan báo Đảng về công tác này.
1. Ông Sầm Việt An, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng: “Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa”
Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, Báo Cao Bằng đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, đổi mới tư duy làm báo, xem đây là vấn đề then chốt, quyết định cho việc nâng cao chất lượng của tờ báo. Chú trọng phân công, bố trí đội ngũ phóng viên viết về văn hóa các dân tộc, là những người có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, có nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cộng tác viên có kinh nghiệm cũng như am hiểu lĩnh vực văn hóa – lịch sử, thường xuyên liên hệ đặt bài. Các tác phẩm báo chí đã trở thành nguồn tư liệu quý được sử dụng trong các chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu một cách chân thật và sinh động nhất vẻ đẹp văn hóa Cao Bằng với du khách trong, ngoài nước. Nhiều bài báo góp tiếng nói phê phán giúp nhân dân hiểu và loại bỏ những tập tục lạc hậu, ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị di tích.
2. Ông Lê Trọng Lập, Tổng Biên tập Báo Hà Giang: “Thực hiện tốt 5 nội dung tuyên truyền góp phần tạo nên ý thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa ở địa phương”
Trong những năm qua, thông qua công tác tuyên truyền của Báo Hà Giang đã góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đạt được kết quả đó, Báo Hà Giang đã và đang thực hiện 5 nội dung: -Hiểu đúng, sáng tạo, chính xác yêu cầu nội dung mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra; -Tìm hiểu chính xác nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa văn hóa và sự tác động, ảnh hưởng của di tích, sự kiện theo quá trình thời gian, lịch sử của quá khứ – hiện tại – tương lai đối với xã hội và cộng đồng; – Thông qua các tác phẩm báo chí phân tích, chỉ ra vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân trong việc tôn tạo, phục hồi, xây dựng để tạo nên ý thức chính thống và dư luận xã hội tích cực cho di tích; -Đặc biệt chú ý tuyên truyền giá trị lịch sử – văn hóa của di tích với giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, làng bản, tạo nên ý thức tự hào, tự tôn dân tộc; – Qua công tác tuyên truyền về di tích lịch sử – văn hóa kêu gọi nhân tài, vật lực, kinh phí cho việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tạo nên phong trào xã hội tự nguyện.
3. Ông Nguyễn Bá Sinh, Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh: “Gắn bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể với phát triển KT-XH địa phương”
Qua hàng nghìn năm xây dựng, phát triển, tỉnh Bắc Ninh đã tạo được một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Những năm qua, Báo Bắc Ninh cũng đã và đang nỗ lực tuyên truyền góp phần quảng bá những nét văn hóa mà đặc trưng là Dân ca Quan họ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với chuyên mục “Trên quê hương Quan họ”, Báo Bắc Ninh đã giới thiệu với bạn đọc về lịch sử ra đời, lưu truyền và phát triển của dân ca quan họ cũng như ảnh hưởng của nó tới tinh thần cộng đồng. Nhất là trong năm 2013, Báo Bắc Ninh đặc biệt hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia đồng bằng Sông Hồng. Hàng chục tác phẩm báo chí dự thi của Báo Bắc Ninh đã nêu bật nét đẹp của văn hóa quan họ. Bên cạnh đó, Báo Bắc Ninh còn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để làm cầu nối trong bảo tồn và phát huy các làn điệu quan họ gắn với phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
4. Bà Lê Thị Thúy Lan, Phó Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ: “Tuyên truyền phát huy, bảo tồn giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên tất cả các ấn phẩm của báo”.
Nhiều năm qua, Báo Điện Biên Phủ luôn tự hào vì đã góp phần quan trọng trong công cuộc tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Báo Điện Biên Phủ đăng tải đều đặn các tin, bài, ảnh liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể “di tích lịch sử Quốc gia” Điện Biên Phủ trên tất cả các ấn phẩm, đặc biệt là tờ Điện Biên Phủ cuối tuần. Không chỉ cổ vũ, biểu dương mà nhiều tin, bài, ảnh đã phê phán trực diện, cảnh báo những bất cập, nhếch nhác và nói chung là chưa đẹp. Ngoài ra, Ban biên tập Báo yêu cầu dành một dung lượng đáng kể cho loạt bài về phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa, về giáo dục truyền thống, thu hút và khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Từ những thông tin mà báo chuyển tải, các cấp, ngành chức năng đã kịp thời vào cuộc để có sự chỉ đạo, chấn chỉnh trong đầu tư, tôn tạo và sử dụng di tích. Bên cạnh đó, Ban biên tập thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, phân công phóng viên chuyên sâu đảm nhận viết bài tuyên truyền tính nhân văn, giá trị lịch sử – văn hóa đối với bạn đọc; duy trì mối quan hệ với các ngành liên quan, với cộng tác viên…
Lãnh đạo các báo Đảng dự hội thảo trao đổi kinh nghiệm cùng với lãnh đạo tỉnh Điện Biên |
Riêng đối với tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua Báo Lạng Sơn luôn coi công tác tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa là một mảng lớn. Theo đó, nhiều hoạt động tuyên truyền triển khai như: xây dựng kế hoạch, lịch xuất bản trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết, định hướng của cấp trên. Xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên trách có đủ năng lực, trình độ, tâm huyết với mảng, đề tài, lĩnh vực văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ban Biên tập thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả sau mỗi đợt tuyên truyền, thực hiện các số báo chuyên trang…Trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa của các báo bạn, lãnh đạo Báo Lạng Sơn đã tiếp thu những kinh nghiệm hay, phù hợp với thực tiễn địa phương để áp dụng vào công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa trên địa bàn trong thời gian tới. Từ đó đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển văn hóa bền vững.
Minh Thảo – Thanh Hòa
Ý kiến ()