Kinh nghiệm từ Hương Trà
Cảnh quan xã nông thôn mới Hương Trà, Hương Khê, Hà Tĩnh |
Trong câu chuyện về xây dựng nông thôn mới, ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã nông thôn mới Tô Hiệu (huyện Bình Gia) tấm tắc mãi về chuyến thăm Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nói về đạt chuẩn thì xã Hương Trà được công nhận đạt chuẩn cuối năm 2014, không đi trước nhiều so với Tô Hiệu (công nhận đạt chuẩn cuối năm 2015).
Ông Tuấn bộc bạch: đi tham quan cách làm, hiệu quả của người ta, mình thấy mình phải phấn đấu nhiều. Ví dụ như về xây dựng gia đình gọn gàng, ngăn nắp, Chi hội Cựu chiến binh các thôn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động hướng dẫn cụ thể cách để giầy dép, phơi quần áo… sao cho ngăn nắp nhất. Mỗi đoàn thể một phần việc cụ thể.
Điểm đặc biệt ở Hà Tĩnh là ngoài việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh ban hành thêm tiêu chí số 20, đó là tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu với 10 chỉ tiêu cụ thể cho các khu dân cư. Để được công nhận đạt chuẩn, các xã phải hoàn thành được 20 tiêu chí đề ra. Điều này có nghĩa chuẩn nông thôn mới ở Hà Tĩnh cao hơn so với bộ tiêu chí quốc gia.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn tâm đắc: chúng tôi đi tham quan thôn dân cư kiểu mẫu Nam Trà của xã Hương Trà, nhà của họ cũng nhỏ thôi, nhưng sạch lắm. Nhà nào cũng có hàng rào bằng cây xanh, mỗi gia đình phụ trách vệ sinh một đoạn đường, mỗi buổi sáng trước khi đi làm việc đầu tiên là các gia đình vệ sinh đoạn đường mình phụ trách.
Đến nay thôn kiểu mẫu Nam Trà có 100% nhà ở đạt chuẩn, các công trình phụ trợ được sắp xếp khoa học, hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh; 18 năm liên tiếp là thôn văn hóa. Từ thôn nghèo, nhân dân tập trung phát triển các loại cây chủ lực như cam chất lượng cao, đào; chăn nuôi lợn, hươu, bò…
Để có được điều đó, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành rất nhiều cơ chế đặc thù chia ra thành các nhóm cơ chế như: cơ chế dành cho cán bộ trực tiếp làm nông thôn mới; cơ chế phát triển hạ tầng; cơ chế phát triển sản xuất. Đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu cụ thể các thôn, xã trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân bằng việc trao quyền chủ động bàn bạc, quyết định việc triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trong thôn, đặc biệt là các công trình hạ tầng trong thôn đều giao về cho người dân triển khai thực hiện, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ những nội dung dân không thực hiện được.
Mặc khác về phía xã, cả hệ thống chính trị của xã vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ví dụ như Hương Trà, ngoài các ban, xã thành lập 4 tiểu ban khác (tuyên truyền, phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng, văn hóa-xã hội) xuống trực tiếp các thôn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; giao quyền làm chủ xây dựng nông thôn mới cho Ban phát triển các thôn.
Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, ông Hoàng Đăng Dũng cho biết: hiện nay Văn phòng đang xây dựng báo cáo sau đợt tham quan, học tập kinh nghiệm; những bài học hay, phù hợp với điều kiện của Lạng Sơn sẽ được tổng hợp để tham mưu cho tỉnh. Từ đó góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới và nâng cao các tiêu chí trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()