Kinh nghiệm trong quản lý đất lâm nghiệp
LSO-Từ năm 2015 trở về trước, tình trạng lấn chiếm đất, cây rừng do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc (có trụ sở tại huyện Hữu Lũng) quản lý diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp hiệu quả, thấu tình đạt lý, đôi bên cùng có lợi, từ năm 2016 đến nay, hiện tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp của doanh nghiệp (DN) giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Đội trưởng sản xuất xã Tân Thành, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc tại một khu rừng do người dân nhận khoán quản |
Tính đến đầu tháng 11/2017, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc được Nhà nước giao quản lý 4.000 ha đất lâm nghiệp, tập trung tại 8 xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Trước năm 2015, diện tích đất do công ty quản lý có tranh chấp gay gắt tại các xã như: Thiện Kỵ, Tân Thành, Đô Lương, Minh Sơn với diện tích người dân lấn chiếm khoảng 700 ha. Đến nay, các điểm nóng này đã được DN phối hợp với UBND huyện Hữu Lũng giải quyết cơ bản.
Ông Nguyễn Khương Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc cho biết: Những vấn đề về quản lý đất lâm trường trước đây như: hợp đồng giao khoán với dân; tỷ lệ ăn chia hoa lợi trên đơn vị diện tích; sản phẩm, tình trạng tranh chấp cây trồng trên đất hiện đã được công ty từng bước giải quyết có hiệu quả, như tại các thôn: Cốt Cối, xã Tân Thành; Làng Trang, xã Thiện Kỵ.
Để giải quyết có hiệu quả tình trạng này, ngoài tuyên truyền, vận động, công ty còn phối hợp với chính quyền cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để đưa ra giải pháp phù hợp, thấu tình đạt lý. Đồng thời, DN chủ động ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với người dân, cùng ăn chia sản phẩm có được sau mỗi chu kỳ sản xuất, được người dân đồng tình.
Bằng những biện pháp nêu trên, trong số 700 ha đất rừng mà người dân lấn chiếm, đến đầu tháng 11/2017, DN đã thu lại được 200 ha và tổ chức ký hợp đồng với người dân để quản lý, trồng rừng cùng hưởng lợi đối với diện tích này. Theo báo cáo của DN, tính đến hết tháng 10/2017, trong số 4.000 ha đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý, diện tích có thể trồng rừng chỉ chiếm khoảng 3.500 ha, còn lại là đất giao thông, đất khe suối. Hiện DN đã ký hợp đồng khoán quản với 1.800 hộ dân, diện tích người dân nhận quản lý lên tới 2.500 ha. Thực hiện phương thức ký hợp đồng này, người dân được hưởng lợi rất lớn, đối với diện tích trồng mới DN đầu tư 100% cây giống, phân bón, kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công chăm sóc và bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đến kỳ thu hoạch DN chỉ thu về 30% giá trị của rừng trồng, phần còn lại (70%) người dân được hưởng. Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, công ty sẽ thu lại toàn bộ diện tích đất dân đã lấn chiếm và thực hiện ký hợp đồng với dân trong việc khoán quản đối với diện tích này.
Được biết, hiện Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc là đơn vị duy nhất trong 3 DN lâm nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn không phát triển trồng rừng quốc doanh. Hiện gần 3.000 diện tích đất lâm nghiệp DN đang quản lý đều thực hiện khoán quản với người dân cùng chăm sóc, bảo vệ và phát triển trồng rừng sản xuất.
Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng thôn Cốt Cối, xã Tân Thành cho biết: Với cách làm DN ký hợp đồng giao khoán cho hộ dân quản lý, bảo vệ đối với diện tích đất lâm nghiệp của DN, đến nay tình trạng tranh chấp cây lâm nghiệp đã được xử lý triệt để. Hiện, thôn có 54 hộ thì có 49 hộ nhận khoán quản lý đất lâm nghiệp của DN, còn 5 hộ đang chuẩn bị ký lại hợp đồng với DN trên diện tích khoảng 15 ha để cùng bảo vệ và hưởng lợi từ rừng sản xuất do DN quản lý.
Thời gian tới, công ty tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trả lại phần diện tích đất lấn chiếm còn lại. Đồng thời, tiến hành ký hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ với người dân toàn bộ diện tích đất rừng này; vừa góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()