Kinh nghiệm phục hồi kinh tế của Ai-xơ-len
Ngành đánh bắt thủy sản của Ai-xơ-len phục hồi mạnh mẽ. Ở một ngôi làng nhỏ của Ai-xơ-len, ngư dân đã có thu nhập cao gấp hai lần so mức trước khủng hoảng; xuất khẩu thủy sản tới Bô-xtơn hay Brúc-xen không ngừng tăng; tỷ lệ thất nghiệp hầu như bằng không. Tất cả cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính từng kéo đổ hệ thống ngân hàng nước này năm 2008.Năm 2008, quốc đảo núi lửa gần Bắc Băng Dương này được cho là đã châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Hơn ba năm sau, trong khi hầu hết các nước châu Âu chìm vào suy thoái, nền kinh tế Ai-xơ-len tăng trưởng trở lại, với tốc độ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhờ đồng nội tệ crô-na giảm giá (mất gần một nửa giá trị so đồng ơ-rô), xuất khẩu và du lịch tăng trưởng, niềm tin của thị trường được cải thiện.Chỉ vài năm trước đây, khu vực ngân hàng bùng nổ với tổng giá trị tài sản lớn gấp gần mười lần GDP, khiến rất nhiều người trong số 320 nghìn...
![]() Ngành đánh bắt thủy sản của Ai-xơ-len phục hồi mạnh mẽ. |
Năm 2008, quốc đảo núi lửa gần Bắc Băng Dương này được cho là đã châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Hơn ba năm sau, trong khi hầu hết các nước châu Âu chìm vào suy thoái, nền kinh tế Ai-xơ-len tăng trưởng trở lại, với tốc độ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhờ đồng nội tệ crô-na giảm giá (mất gần một nửa giá trị so đồng ơ-rô), xuất khẩu và du lịch tăng trưởng, niềm tin của thị trường được cải thiện.
Chỉ vài năm trước đây, khu vực ngân hàng bùng nổ với tổng giá trị tài sản lớn gấp gần mười lần GDP, khiến rất nhiều người trong số 320 nghìn công dân Ai-xơ-len đổ xô chuyển hướng đầu tư từ các ngành công nghiệp truyền thống sang khu vực tài chính. Ngư dân chuyển sang lĩnh vực ngân hàng, đầu cơ bất động sản. Khi hệ thống ngân hàng sụp đổ trong cơn bão tài chính, hơn 300 nghìn người rơi vào cảnh trắng tay. Làn sóng biểu tình diễn ra nghiêm trọng… Nhưng nay tình hình đã khác, xu hướng tiêu dùng của người dân Ai-xơ-len thận trọng hơn, tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghiệp truyền thống và xuất khẩu được chứng minh là vững chắc hơn hoạt động đầu cơ tài chính và bất động sản. Bộ Tài chính Ai-xơ-len dự báo, kinh tế nước này sẽ tăng khoảng 2,6% trong năm nay, một trong những mức tăng trưởng cao nhất châu Âu. Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, Ai-xơ-len cho thấy một kinh nghiệm về phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, phá giá đồng nội tệ mới chỉ là một phần của bức tranh phục hồi kinh tế của
Ai-xơ-len. Kiểm soát vốn, cải cách chính sách thuế và “thắt lưng, buộc bụng” một cách thận trọng cũng là những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Ai-xơ-len trở lại đúng quỹ đạo phát triển, đưa thâm hụt ngân sách trở lại gần mức cân bằng. Thay vì đổ xô vào các loại cắt giảm chi tiêu, vốn gây nhiều hệ lụy ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, Ai-xơ-len lại gần như trì hoãn “thắt lưng, buộc bụng”. Thậm chí, thời kỳ đầu rơi vào khủng hoảng, Chính phủ còn tăng phúc lợi xã hội cho người nghèo và các khoản tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ai-xơ-len cũng làm một việc mà các nước châu Âu không dám liều lĩnh thực hiện, đó là cho phép các ngân hàng phá sản. Chính phủ Ai-xơ-len chịu một phần chi phí, phần lớn thuộc về các chủ nợ nước ngoài, chứ không phải người dân đóng thuế.
Hơn ba năm sau cuộc khủng hoảng tài chính chút nữa kéo đổ nền kinh tế, Ai-xơ-len đã trở lại “khỏe mạnh” trên nhiều phương diện. Bằng chứng là nước này đã thực hiện thành công gói cứu trợ của IMF và đã hoàn trả sớm một phần nợ. Ai-xơ-len còn hy vọng sớm hoàn tất việc bán tài sản của ngân hàng Landsbanki để thanh toán khoản nợ trị giá 5 tỷ USD cho Anh và Hà Lan. Tháng 2 vừa qua, sau những đánh giá tích cực của các tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s và Moody’s, hãng Fitch cũng khôi phục xếp hạng đầu tư của Ai-xơ-len, kèm theo nhận định tích cực về sự ổn định kinh tế của nước này. Ai-xơ-len vừa phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất 5,9%, thu về gần một tỷ USD.
Tuy nhiên, phía trước vẫn còn là chặng đường dài, đòi hỏi Chính phủ Ai-xơ-len cần có các chính sách thận trọng. Nợ của các hộ gia đình đã vượt mức 200%. Chính phủ phải có biện pháp xử lý tốt những “tác dụng phụ” của các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ áp dụng từ sau khủng hoảng, được các chuyên gia kinh tế cảnh báo có khả năng làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, lòng tin của người dân đối với Chính phủ đang có xu hướng giảm sút, các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy QH chỉ nhận được 10% cử tri nước này ủng hộ…
TRONG bối cảnh Hy Lạp cận kề nguy cơ quay trở lại với đồng nội tệ, Tây Ban Nha vật lộn cứu vãn hệ thống ngân hàng bấp bênh, thành viên đầu tàu Đức chật vật tìm phương cách bảo vệ sự tồn tại của Eurozone, cuộc vượt bão suôn sẻ của Ai-xơ-len có thể đem lại những kinh nghiệm thực tiễn cho những nước hiện đang chìm trong khủng hoảng ở Eurozone.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()