Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan
Việt Nam đang ra sức phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu này, công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng. Tuy vậy, ở nước ta, ngành công nghiệp này còn khá mới mẻ. Do vậy, việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, trong đó có Thái Lan về phát triển công nghiệp hỗ trợ là cần thiết.
Đẩy mạnh thay thế nhập khẩu
Thái Lan đã có những chính sách và định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ từ sớm và được đánh giá là một quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ khá phát triển. Ngay từ những năm 1960, chính phủ nước này đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp nhằm thay thế nhập khẩu. Chẳng hạn, Thái Lan đã giảm tới 50% thuế nhập khẩu và thuế doanh nghiệp cho các doanh nghiệp lắp ráp CKD (một bộ linh kiện mới 100% nhập khẩu theo dạng rời, bao gồm hầu hết hoặc tất cả các bộ phận cần thiết để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh) xuống còn dưới mức 30% cho linh kiện xe con, 20% cho xe khách và 10% cho xe tải. Những ưu đãi này hướng đến giúp các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp tăng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn đầu và có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài.
Giai đoạn tiếp theo (từ năm 1971 – 1987), Thái Lan yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp phải thực hiện tỷ lệ nội địa hoá đối với những sản phẩm cụ thể nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng khả năng tham gia vào giá trị sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng hướng các doanh nghiệp đến tính chuyên môn hoá cao nhằm đạt lợi thế về quy mô thông qua chính sách quy định mỗi doanh nghiệp sản xuất xe ô tô du lịch không được sản xuất lắp ráp quá ba mẫu xe và xe thương mại không quá năm mẫu xe.
Sau thời gian khá dài bảo hộ và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy trong nước, từ những năm 1990, Thái Lan bắt đầu giảm dần chính sách bảo hộ và tăng tự do hoá cho các sản phẩm từ bên ngoài vào. Chẳng hạn, năm 1991, bãi bỏ chính sách cấm nhập khẩu xe từ nước ngoài; năm 2000, bãi bỏ chính sách nội địa hoá và giảm bảo hộ đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đồng thời khuyến khích sử dụng các linh kiện từ các doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, tăng thuế nhập khẩu CKD từ 20% lên đến 33% đối với mọi loại xe. Kể từ giai đoạn này, các sáng kiến thương mại quốc tế và thiết lập chế độ ưu đãi như nhau đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp
Để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thái Lan ban hành nhiều chính sách cụ thể. Năm 1992, nước này đã thành lập Cục Công nghiệp Build trực thuộc Cục Đầu tư với mục đích phát triển các mối liên kết công nghiệp. Thái Lan cũng tạo sự liên kết giữa các công ty hỗ trợ thuộc khối ASEAN với quốc tế thông với cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp hỗ trợ của khối này trên trang thông tin điện tử. Năm 1998, Thái Lan thành lập Cục Phát triển công nghiệp hỗ trợ trực thuộc Vụ Xúc tiến công nghiệp của Bộ Công nghiệp nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, thiết kế và phát triển các khuôn cho sản xuất thiết bị điện tử gia công nhiệt và xúc tiến phát triển các nhà thầu phụ. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có những viện nghiên cứu độc lập hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và ngành hỗ trợ cụ thể, như Viện Ô tô Thái Lan, Viện Điện tử, Viện Thực phẩm, Viện Dệt may, Viện Thép nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển những ngành này.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, Thái Lan rất coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thái Lan đặc biệt coi trọng doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp chế tạo. Việc thực hiện chính sách xuất xứ địa phương trong sản phẩm đòi hỏi cần có sự kết nối các doanh nghiệp chế tạo công nghiệp hỗ trợ địa phương vào mạng sản xuất toàn cầu, tạo sức ép lên các doanh nghiệp địa phương cần đáp ứng được các yêu cầu tổ chức và kỹ thuật của mạng sản xuất toàn cầu.
Để giải quyết vấn đề này, Thái Lan rất chú ý đến việc xây dựng thể chế liên kết giữa công ty đa quốc gia nước ngoài với doanh nghiệp địa phương. Uỷ ban Đầu tư Thái Lan đã thành lập Cơ quan Phát triển liên kết công nghiệp để khuyến khích liên doanh giữa các công ty của địa phương với các công ty của nước ngoài. Điều này cho thấy Thái Lan đặc biệt coi trọng việc tạo dựng mối liên kết giữa các nhà chế tạo trong nước với nước ngoài, tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ
Bên cạnh các chính sách trực tiếp phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thái Lan còn có các chính sách bổ trợ quan trọng, như chính sách phát triển các cụm công nghiệp, nhất là ở vùng nông thôn với chủ trương mỗi làng một sản phẩm. Mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy mỗi làng, xã phát triển một sản phẩm của mình, đặc biệt là sản phẩm truyền thống. Chính sách này được thực thi dựa trên các cơ chế khuyến khích về chính sách, hành chính, tạo dựng mạng lưới và các chiến lược marketing.
Một mặt, chính phủ Thái Lan khuyến khích các doanh nhân và thúc đẩy tinh thần kinh doanh, mặt khác, hỗ trợ bằng các hoạt động tư vấn và thảo luận giữa cộng đồng địa phương và chuyên gia về việc sử dụng lao động, cung ứng nguyên vật liệu, quá trình thiết kế và marketing. Trong số các sản phẩm của làng sản xuất, cần tìm ra một sản phẩm mạnh nhất, gọi là “sản phẩm làng vô địch”, sau đó lấy giấy chứng nhận của chính quyền địa phương về sản phẩm. Trên cơ sở đó, có những xem xét và nghiên cứu để phản ứng với nhu cầu của thị trường và tiêu chuẩn chất lượng một cách phù hợp.
Về cơ bản, các sản phẩm này được hướng đến các thị trường ở thành phố và thị trường nước ngoài. Trong chiến lược marketing, sản phẩm được đưa lên giới thiệu qua nhiều kênh khác nhau như ở các hãng hàng không, các báo lớn, nhất là các báo tiếng Anh, giới thiệu sản phẩm ở các siêu thị lớn. Ngoài ra, Thái Lan còn tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ sản phẩm hoặc mở các cửa hàng “sản phẩm làng vô địch” trên khắp đất nước. Mặc dù xuất xứ ban đầu của chính sách mỗi làng một sản phẩm gắn liền với sản phẩm truyền thống, song hiện nay với các chiến lược và công cụ marketing hiện đại, nhiều làng đã phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ dựa trên lợi thế vốn có của mình, kết hợp với khả năng gia nhập vào các mạng cung ứng sản xuất nội địa và toàn cầu.
Một số gợi ý
Thực tiễn cho thấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nguyên nhân cơ bản giúp các nền kinh tế giải quyết được những nhiệm vụ đặt ra trong nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, kết nối được vào mạng sản xuất toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng một quan điểm và cách hiểu phù hợp về công nghiệp hỗ trợ. Cần coi các ngành công nghiệp hỗ trợ cấu thành nền tảng của cấu trúc công nghiệp. Có thể coi đây là điểm xuất phát, mang tính định hướng toàn bộ quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Xác định đúng hơn về vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. Chủ động, tích cực tham gia các chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp, để họ không bị loại khỏi sân chơi toàn cầu và khu vực trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ. Để đạt được sức cạnh tranh quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tiếp cận được với các nhà cung cấp linh kiện cũng như phải cung cấp được các linh kiện có chất lượng cao, giá thành rẻ và giao hàng đúng hạn. Đây cũng là điều kiện nền tảng để phát triển nền công nghiệp một cách vững chắc.
Tăng cường hơn nữa việc thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI. Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện cần thiết để hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhờ các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nội địa sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nếu thực sự các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn của các công ty đa quốc gia. Sự phát triển của các nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước sẽ là nền tảng và điều kiện để thu hút luồng vốn FDI mới đầu tư khi những lợi thế về nguồn lao động rẻ, ưu đãi về đất đai không còn. Đây là môi trường kinh doanh bền vững để các công ty xuyên quốc gia kết hợp và sử dụng cho chiến lược phát triển lâu dài.
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, những sản phẩm hỗ trợ thường được sản xuất, cung cấp chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần giải quyết tốt hơn vấn đề cấp bách hiện nay, đó là vấn đề việc làm. Bên cạnh việc hỗ trợ về tài chính, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghệ cũng như những định hướng và những quy định tạo khuôn khổ hoạt động cho họ. Bên cạnh đó, cần coi trọng hơn nữa việc tạo dựng và phát triển thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Mở rộng mối liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là việc tạo lập mối liên kết chặt chẽ và thông suốt giữa các doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp, chế tạo. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ nội địa với doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ có vốn FDI. Cần phát triển tổ chức chuyên về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp với nhau.
Để công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững, cần tăng cường phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao. Đây là yếu tố cần thiết cho việc đưa trình độ sản xuất vượt lên giới hạn của bẫy thu nhập trung bình, cũng như giải quyết hiệu quả những thách thức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp có trình độ cao cần có sự phối hợp của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu lao động, nhất là lao động kỹ thuật. Nhờ đó, người lao động sau thời gian làm việc ở nước ngoài có thể nắm được kỹ thuật, tác phong làm việc, khi trở về nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()