Kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản và một số gợi ý với Việt Nam
Nhật Bản là một trong những nước phát triển công nghiệp hỗ trợ sớm trên thế giới và rất thành công. Việt Nam đang nỗ lực phát triển loại hình công nghiệp này. Do vậy, việc tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều cần thiết.
Nhật Bản là một trong những nước phát triển công nghiệp hỗ trợ sớm trên thế giới và rất thành công. Việt Nam đang nỗ lực phát triển loại hình công nghiệp này. Do vậy, việc tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều cần thiết.
Hiện, Nhật Bản là một trong những cường quốc phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng đầu thế giới. Đạt được kết quả này là do Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện được các chính sách công nghiệp hợp lý, bắt kịp xu thế biến đổi của môi trường kinh doanh thế giới. Mặt khác, thông qua những chính sách, Nhật Bản đã kết nối và cân bằng được lợi ích giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Nhật Bản
Từ những năm 1940, ngành công nghiệp cơ khí ở Nhật Bản phát triển mạnh và nhu cầu về những sản phẩm này cao đã khiến những doanh nghiệp lớn phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp nhỏ hơn trong cung cấp các linh phụ kiện. Để đẩy mạnh mối quan hệ này, năm 1949, Nhật Bản đã ban hành Luật về hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm bảo vệ quyền đàm phán của các doanh nghiệp nhỏ cũng như tạo điều kiện để họ có thể tiếp cận được với công nghệ mới và các nguồn vốn vay. Trong những năm 1960 – 1970, sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp chế tạo đã làm tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp này và một lần nữa nhu cầu về các nhà thầu phụ nhằm làm giảm chi phí và tăng tính hiệu quả lại tăng cao. Để hỗ trợ vấn đề này, năm 1970, Nhật Bản đã ban hành Luật Xúc tiến doanh nghiệp nhà thầu phụ nhỏ và vừa. Nhìn chung, trong khoảng thời gian từ những năm 1950 đến những năm 1970, quá trình công nghiệp hóa của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và những ngành thành công hơn lại là những ngành không cần tới sự hỗ trợ chính thức như ngành điện dân dụng, xe máy, máy tính, đồng hồ, thay vì một một số ngành nhận được sự hỗ trợ chính như ngành than, luyện nhôm,…
Quá trình hình thành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản hoàn toàn do hệ thống doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chính phủ chỉ có những chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát huy năng lực. Trong bối cảnh của Nhật Bản, họ đã phát triển theo chiến lược 100% thay thế nhập khẩu, không dùng đầu tư nước ngoài mà chỉ mua công nghệ nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đều có sự nỗ lực và năng lực làm việc rất cao. Những công nghệ mua về, họ có thể đồng hoá, biến thành của họ với chất lượng mới hơn. Đây chính là sự khác biệt để tạo ra sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Một điểm đáng chú ý, các công ty của Nhật Bản liên kết với nhau theo mô hình gia đình như Nissan, Toyota,… Các hãng này có các công ty con liên kết chuyên sản xuất các phụ liệu cần thiết cho công ty mẹ. Khi công ty mẹ yêu cầu một dòng sản phẩm nào đó, các công ty con sẽ phải tập trung sản xuất trong thời gian mà công ty mẹ đưa ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mô hình này không còn khép kín nữa. Các công ty sản xuất sản phẩm hỗ trợ ở Nhật Bản có mức độ cạnh tranh rất cao. Bản thân việc sản xuất và lắp ráp các linh kiện cũng có thể chia thành nhiều cấp độ. Mô hình liên kết chuỗi theo kiểu gia đình như vậy có mối quan hệ rất chặt chẽ. Các công ty cung cấp cấp thấp phải đảm bảo chất lượng và thời gian giao hàng cho các công ty ở cấp cao hơn. Chính những đòi hỏi khắt khe của các công ty cấp cao làm cho các công ty con trở lên mạnh hơn và có năng lực cạnh tranh cao hơn.
Nhìn chung, các công ty con sản xuất hàng hỗ trợ phải cạnh tranh rất quyết liệt để đứng vững trong dây chuyền quan hệ này. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật Bản như điện tử, ô tô, xe máy,… đã xây dựng mô hình này qua một quãng thời gian khá dài. Mối liên hệ giữa các cấp độ cung cấp sản phẩm hỗ trợ không chỉ được củng cố bằng quan hệ bạn hàng, mà còn từ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đôi khi là tài chính của các công ty cấp cao hơn. Vì vậy, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa khá chặt chẽ, cùng bổ sung cho nhau và cùng phát triển.
Một số gợi ý đối với Việt Nam
Từ thành công phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản cho thấy, cần coi ngành công nghiệp hỗ trợ là cấu thành nền tảng của cấu trúc công nghiệp hiện đại. Và, công nghiệp hỗ trợ không đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp dựa trên công nghệ thấp, mà về cơ bản, nó phải là những ngành công nghiệp hoạt động trên công nghệ và lao động kỹ năng cao. Điều cần thiết là cần xác định đúng vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia để chủ động, tích cực tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Công nghiệp hỗ trợ phát triển, sẽ giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và nhanh chóng hội nhập với kinh tế quốc tế.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cũng cho thấy, những sản phẩm hỗ trợ thường được sản xuất và cung cấp chủ yếu từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại là nơi thu hút phần lớn lao động làm việc. Do vậy, phát triển doanh nghiệp hỗ trợ sẽ đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề cấp bách hiện nay, đó là giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trước thực trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay, để phát triển được lực lượng này, bên cạnh những hỗ trợ về tài chính, cần đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ về công nghệ để họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được những thiết bị mới.
Tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp, chế tạo. Đẩy mạnh hơn nữa sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nội địa với các doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ có vốn đầu tư nước ngoài. Khi thực hiện tốt được điều này, sẽ góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào hệ thống sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp linh kiện trong nước với các doanh nghiệp lắp ráp nước ngoài sẽ giúp các nhà cung cấp linh kiện trong nước có thị trường đầu ra cho sản phẩm một cách vững chắc hơn.
Nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao. Đây là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao trình độ sản xuất. Nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao cần được hiểu bao gồm cả những người có khả năng quản lý và cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất của một nhà máy; cả những người có thể thiết kế, sản xuất và điều chỉnh những sản phẩm đến độ hoàn hảo; cả những người có năng lực tự lắp ráp toàn bộ sản phẩm một cách hoàn chỉnh;…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()