Kinh nghiệm làm giàu tiền tỷ của những người nông dân xuất sắc
Trao đổi bên lề sự kiện Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức tối ngày 14/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhiều nông dân đã "bật mí" những kinh nghiệm làm giàu của bản thân, cũng như những thành công mà họ đã đạt được.
Biết cách học hỏi
Với việc xây dựng trang trại 3.000 m2 nuôi “bốn thứ con”, mỗi năm anh Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đạt thu nhập hơn 5 tỷ đồng.
“Bốn thứ con” ở đây là 4 loại vật nuôi đặc sản thuộc lớp bò sát gồm: nhông cát, kỳ đà, kỳ tôm và rắn mối với mô hình trang trại tổng hợp: nuôi nhông cát, heo, gà và cây ăn quả, sản lượng thu hoạch khoảng 110 tấn/năm. Anh Tuấn cũng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương.
Anh Tuấn chia sẻ, nuôi các loài bò sát này rất khó, nhất là nuôi con nhông cát. Do vậy người nuôi cần phải kiên trì và có đam mê với con nuôi đặc sản này.
Kể về quá trình bắt đầu “bén duyên” với những vật nuôi đặc sản này, anh Tuấn cho hay, ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi chủ yếu là miền cát trắng, bạc màu nên việc trồng cây trên đất cát rất khó khăn, hơn nữa đất nông nghiệp lại ngày càng thu hẹp do các khu công nghiệp “mọc” lên, trong khi đó loại kỳ nhông này lại chỉ sống được trên đất cát và ngày càng mất dần do chưa có mô hình nuôi nhân rộng.
Xuất phát từ những suy nghĩ đề bảo tồn loài vật nuôi này và những hiệu quả kinh tế đem lại, anh đã quyết định đầu tư nuôi, tạo giống.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết muốn thành công người nông dân phải biết cách học hỏi. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam )
Hiện nay, cơ sở nuôi của anh là nguồn cung cấp giống duy nhất cho khoảng hơn 50 đơn vị nhân rộng mô hình vật nuôi đặc sản này trong cả nước.
Anh Tuấn chia sẻ, muốn thành công người nông dân phải biết cách học hỏi, chịu khó và không nản chí trước những thất bại. Mặt khác, quan trọng nhất là người nông dân phải biết định hướng cho mình một ngành nghề phù hợp và tìm tòi những vật nuôi mới đồng thời cần biết sáng tạo, quan tâm tìm hiểu qua tài liệu những yếu tố kỹ thuật đối với mỗi vật nuôi.
“Đối với vật nuôi mới như con kỳ nhông, người nuôi phải chú ý đầu tiên là cách làm chuồng trại, phải làm sao để chúng không thể thoát ra ngoài. Chuồng nuôi phải được xây cao trên 1 mét, phần mặt trong thành chuồng phải ốp gạch men để tránh thất thoát con giống. Nền cát phải được trải lưới trước khi đổ đất, cát lên trên,” anh Tuấn bật mí.
Mạnh dạn đầu tư
Được đánh giá là người nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 có doanh thu “khủng” nhất, chị Lê Thị Thà (Thôn Đoàn Xá 1, xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cũng không ngần ngại tiết lộ những kinh nghiệm cũng như những khó khăn trong ngày đầu gây dựng cơ ngơi từ nông nghiệp.
Với mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn, thức ăn, giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản mỗi năm chị Thà có thu nhập khoảng 35 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho khoảng 120 lao động địa phương.
Chia sẻ những khó khăn ban đầu, chị Thà cho biết, đầu tư cho nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, việc vay vốn cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tích tụ ruộng đất.
“Cái khó nhất lúc mới bắt tay vào làm là khâu tích tụ ruộng đất. Vì đất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, chỗ cao, chỗ thấp nên để quy về một mối rất khó, nhiều hộ dân còn lo sợ bị chiếm đất nên không cho mượn. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, cũng như bà con thấy rõ được hiệu quả kinh tế từ các mô hình sản xuất thì đến nay hợp tác xã đã không ngừng mở rộng được diện tích đất qua từng năm. Hiện quy mô sản xuất của hợp tác xã là khoảng 15ha để sản xuất rau sạch,” chị Thà nói.
Chị Lê Thị Thà (Quảng Ninh) là nông dân xuất sắc năm 2016 có doanh thu “khủng” nhất với khoảng 35 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam )
Cũng từ mong muốn sản xuất, cung cấp sản phẩm nông sản an toàn cho địa phương cũng như tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều người dân, chị Thà từ một người nông dân là chủ một trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nay đã trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Chị Thà cũng vui mừng cho biết, ước tính tổng thu nhập đến hết năm 2016, hợp tác xã Hoa Phong sẽ đạt con số xấp xỷ 50 tỷ đồng.
Với nụ cười thân thiện, chị Thà tâm sự: “Đầu tư cho nông nghiệp rất là lớn, nhiều người nông dân cũng sợ bị lỗ nên ít người dám đầu tư. Tuy nhiên, sau một quá trình sản xuất thì đến nay hợp tác xã đã tạo dựng được uy tín và thu hút được nhiều lao động tham gia mở rộng quy mô, tăng thu nhập.”
Chị Lê Thị Thà cũng bày tỏ mong muốn mở rộng liên kết với nông dân toàn quốc cùng tham gia chuỗi sản xuất để tạo giá trị cao, chất lượng tốt, phục vụ được nhiều thị trường lớn rộng hơn nữa.
Còn về bí quyết làm giàu của mình, chị Thà vẫn khiêm tốn chia sẻ, chỉ cần mạnh dạn đầu tư và phối hợp thực hiện tạo chuỗi liên kết từ người nông dân đến thị trường tiêu thụ thì sản phẩm sẽ có giá trị và hiệu quả sản xuất cao.
Lần đầu tiên ra Hà Nội và nhận danh hiệu nông dân xuất sắc 2016, bà Vũ Thị Tuất (Ấp Tân Phú, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) là một nông dân thành công với mô hình trang trại tổng hợp: nuôi chim Yến, trồng cao su, nuôi bò sữa, kết hợp kinh doanh vật liệu xây dựng, thu mua mủ cao su. Với mức thu nhập khoảng 2,6 tỷ đồng/năm và giải quyết cho khoảng 28 lao động tại chỗ.
Nói về bí quyết thành công, bà Tuất cho rằng: “Với người nông dân thời hiện đại như hiện nay, bí quyết quan trọng nhất là phải dám nghĩ, dám làm và không sợ thất bại, đặc biệt là việc học hỏi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chăn nuôi tạo ra hàng hóa thật có chất lượng, đảm bảo uy tín để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước…”
Hay như Nguyễn Quang Huy (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), anh là người tiên phong đi đầu áp dụng mô hình trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Huy cũng cho hay, khi mới bắt đầu làm nhiều người cười anh vì cho rằng “Hà Nội làm gì có chè, trồng chè ở đâu được?” Nhưng chính anh đã biến những điều tưởng như không có đó với mô hình trồng chè VietGAP và thành công với lợi nhuận thu được khoảng 400 triệu đồng/năm.
“Bật mí” kinh nghiệm của mình, anh Huy cho rằng, chất lượng sẽ quyết định rất lớn đến thành công của sản phẩm. Do đó, người nông dân cần đảm bảo việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và tạo uy tín để tăng sự canh tranh trên thị trường./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()