Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri
HOÀNG VĂN NGHIỆM, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh LSO-Ngày 27/4/2018, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ tư, nhiệm kỳ 2016 - 2021 với chủ đề: “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri”. Trên cơ sở chủ đề hội nghị và thông qua hoạt động thực tế, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn xin trao đổi một số kinh nghiệm, giải pháp trong hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) và giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp triển khai nhiệm vụ tháng 2/2018 HĐND tỉnh – Ảnh: MAI VĂN HOA |
Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND
Nhằm cải tiến, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT; bám sát các quy định của luật, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo tổ chức TXCT cho đại biểu HĐND. Nội dung kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, hình thức thực hiện, thời gian, địa điểm tổ chức tiếp xúc. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc kết hợp tổ chức TXCT với đại biểu HĐND ba cấp (tỉnh, huyện, xã) khi thực hiện TXCT cùng thời gian, địa điểm, đối tượng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, số cuộc họp cho hoạt động này; đồng thời thống nhất bố trí đại biểu HĐND tổ chức tiếp xúc trước và sau kỳ họp ở cùng một địa điểm để thuận lợi cho việc tiếp thu, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri đã được UBND xem xét giải quyết.
Để phục vụ công tác TXCT, Thường trực HĐND đã chỉ đạo cung cấp tài liệu, báo cáo để đại biểu nghiên cứu nắm bắt nên các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được đại biểu HĐND chủ động xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm (của tỉnh, huyện, xã, thôn) và nhiều ý kiến, kiến nghị được báo cáo, giải trình làm rõ ngay tại cuộc TXCT. Sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh giao Văn phòng HĐND tỉnh tổng hợp lại báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi cho đại biểu làm tài liệu TXCT sau kỳ họp; đồng thời, thông tin trên báo, Đài Phát thanh – Truyền hình, các phương tiện thông tin khác về kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri để thông báo cho cử tri được biết, cùng chấp hành, thực hiện, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương
Tuy nhiên, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế: Hình thức TXCT của đại biểu HĐND các cấp chủ yếu tập trung vào trước và sau kỳ họp theo“truyền thống”. Chưa mở rộng TXCT nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề; việc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề cử tri quan tâm còn ít. Nội dung các cuộc TXCT chủ yếu là thông qua các văn bản, báo cáo; việc đối thoại, trao đổi giữa đại biểu với cử tri còn hạn chế… việc tổng hợp phân loại ý kiến, kiến nghị cử tri chưa đầy đủ, chính xác.
Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng chỉ đạo việc tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực UBMTTQ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông trong hoạt động TXCT.
Căn cứ vào nội dung từng kỳ họp HĐND để lựa chọn nội dung, địa điểm và thành phần TXCT cho phù hợp, hiệu quả; đa dạng hoá hình thức TXCT, tập trung nghiên cứu, đổi mới phương thức TXCT nhằm khắc phục hình thức truyền thống, đơn điệu, chỉ theo định kỳ. Tăng cường TXCT tại thôn bản, khối phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; TXCT theo chuyên đề; theo nhóm đối tượng cử tri; TXCT tại địa bàn, đơn vị có vấn đề bức xúc, phức tạp đang được cử tri quan tâm, những nơi có nhiều ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc chương trình, nội dung kỳ họp.
Đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh |
Hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn đã tổng hợp và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, xem xét giải quyết 352 kiến nghị của cử tri, trong đó UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị tại các kỳ họp HĐND tỉnh được 120/151 kiến nghị, số còn lại đang được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét giải quyết và báo cáo theo quy định. Nhìn chung, báo cáo đã trả lời thẳng vào những vấn đề cử tri kiến nghị. Nhiều ý kiến, kiến nghị được phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những khó khăn, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh việc giám sát giải quyết kiến nghị cử tri thông qua xem xét báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh thực hiện giám sát các kiến nghị theo nhóm, lĩnh vực mà Ban phụ trách để tăng cường theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời tổ chức giám sát trực tiếp được 1 cuộc đối với UBND tỉnh và một số sở, ngành, UBND huyện về tình hình giải quyết kiến nghị cử tri tại các kỳ họp và việc giải quyết cụ thể các kiến nghị của cử tri. Qua hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy: Đa số nội dung kiến nghị của cử tri đều được giải quyết, nhiều kiến nghị được giải quyết có kết quả cụ thể. Một số kiến nghị được UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ để thông tin tới cử tri. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan để giải quyết các kiến nghị của cử tri thực sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi nhận được phân công của UBND tỉnh, các sở, ngành đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, tích cực xem xét, giải quyết các kiến nghị thuộc trách nhiệm của đơn vị. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, tổ chức khảo sát, giám sát, theo dõi, đôn đốc theo đúng quy định của luật.
Để nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh đưa ra một số giải pháp sau: Tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, coi đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, trong đó cần tập trung lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung giải quyết triệt để, chủ động phát hiện giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để các hiện tượng khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND, gắn với theo dõi việc thực hiện lời hứa của các đại biểu HĐND trước cử tri, nhân dân, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Mặt khác cần đổi mới hơn nữa công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Thông qua hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần sớm xem xét, ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp trên phạm vi toàn quốc. Đề nghị tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng trong tổ chức hoạt động TXCT và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cho đại biểu HĐND và cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng tham mưu, giúp việc.
H.V.N
Ý kiến ()