Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới
Kiên quyết đấu tranh với các hành vi cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng, đầu cơ, bán giá cao thu lời bất chính… Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTgvề việc chọn ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Việc ban hành và lựa chọn Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục thể hiện quan điểm của Chính phủ về việc bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng văn minh, lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Nhằm triển khai Quyết định nêu trên, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 8674/KH-BCT tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 được tổ chức thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nền kinh tế các quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Trong tình hình đó, ngành Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thống nhất quan điểm điều hành trong tình hình mới, đó là quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Với tinh thần nêu trên, nhân ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021, Bộ Công Thương kêu gọi và trân trọng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chung tay thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2021 với các hoạt động cụ thể như sau:
Chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 8674/KH-BCT một cách thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm và đặc biệt hạn chế các hoạt động có thể dẫn đến tập trung đông người. Ưu tiên thực hiện các hoạt động trên môi trường trực tuyến, như các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, diễn đàn, báo điện tử…
Nghiên cứu và áp dụng các công cụ, hình thức kinh doanh phù hợp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn và thuận lợi, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, từng bước khôi phục lại các hoạt động như trước khi bùng phát dịch bệnh.
Kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như quảng cáo sai sự thật, cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng,… đặc biệt là hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, trục lợi, bán giá cao, thu lời bất chính.
Bộ Công Thương cam kết hỗ trợ, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với đó, Bộ tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể để đồng hành cùng doanh nghiệp trên cả nước không chỉ trong tháng cao điểm của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (tháng 3) mà sẽ tiếp nối và kéo dài trong những tháng tiếp theo của năm 2021.
Để có thông tin về các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, doanh nghiệp có thể liên hệ: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 024.222.05.022.
Ý kiến ()