Kinh doanh hiệu quả nhờ ứng dụng các nền tảng số
– Những năm gần đây, chị Ma Thị Mây, thôn Na Cà, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định đã ứng dụng hiệu quả các nền tảng số vào kinh doanh các sản phẩm nông sản, đặc sản. Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm đến thị trường cả nước mà còn mang lại thu nhập cao. Từ cách làm này, chị đã xây dựng Dự án Kinh doanh các sản phẩm nông sản Lạng Sơn trên nền tảng số để tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2023 và đạt giải khuyến khích.
Chị Ma Thị Mây (đứng thứ 2 từ trái sang) nhận giải chuyên đề tại lễ trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn 2023
Chị Mây chia sẻ: Vài năm trước, qua tìm hiểu thị trường tôi nhận thấy, khách hàng ngày càng mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Khách hàng cũng chú trọng đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm nên thường tìm mua những sản phẩm đã được chứng nhận về chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo hướng VietGAP hoặc sản phẩm OCOP… Từ đó, tôi đã có ý tưởng phải thay thế cách bán hàng truyền thống bằng việc sử dụng nền tảng số vào khởi nghiệp kinh doanh.
Thực hiện ý tưởng, năm 2018, chị Mây đã chuyển đổi mô hình kinh doanh các mặt hàng truyền thống sang các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh và những sản phẩm đặc sản truyền thống có uy tín trên thị trường. Bên cạnh xác định ngành hàng và phân khúc khách hàng, chị đã chủ động tìm hiểu phương thức kinh doanh trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, học hỏi kỹ năng bán hàng trực tuyến… Đồng thời, xây dựng cửa hàng tại đường Lương Thế Vinh, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn để bán và trưng bày hơn 30 sản phẩm nông sản, đặc sản tiêu biểu của Lạng Sơn như: gạo, khau nhục, lạp sườn, bánh khảo, thạch, hồng treo gió, bánh ngải, ô mai chanh rừng, rượu, chè, miến, cao khô…
Để triển khai bán hàng trực tuyến trên các nền tảng số, chị Mây đã tạo các tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok) và sàn thương mại điện tử với thương hiệu nông sản Hồng Mây. Đến nay, ngoài cửa hàng bán trực tiếp các sản phẩm, chị đã có 1 trang thông tin điện tử (Dacsanlangsonhongmay.com) giới thiệu về đặc sản Lạng Sơn; 2 fanpage: đặc sản vùng cao, trạm xanh Lạng Sơn; 2 Facebook bán hàng với hơn 10.000 người theo dõi; 2 tài khoản zalo với hàng trăm khách hàng thân thiết; 1 tài khoản tiktok và 1 gian hàng trên sàn thương mại điện tử shopee. Mỗi nền tảng đều hướng đến từng đối tượng khách hàng riêng, cụ thể như Zalo phù hợp với các bà nội chợ, người quen; Facebook phục vụ khách trong và ngoài tỉnh; tiktok, shopee dành cho khách hàng trẻ tuổi… Để bán được hàng trên các nền tảng số thì việc đăng tải các bài viết, hình ảnh, video clip là rất quan trọng, vì vậy, chị luôn chú trọng chụp ảnh, quay phim, ghi lại những hình ảnh đẹp, chân thực về sản phẩm, quy trình chế biến, giới thiệu ngắn gọn những nét đặc trưng của sản phẩm để đăng tải lên các nền tảng số. Cùng với đó, chị xây dựng mạng lưới cộng tác viên bán hàng lên tới 86 thành viên, trong đó, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn 50 thành viên, các tỉnh, thành phố trong cả nước 36 thành viên. Hằng ngày, chị đều đăng các bài viết và hướng dẫn cộng tác viên giới thiệu, quảng bá về sản phẩm đến người tiêu dùng. Bằng cách làm này chị đã phát triển được một lượng khách hàng thường xuyên, ổn định.
Chị Đinh Bích Hợp, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi thường xuyên mua hàng trực tuyến. Nông sản Hồng Mây là cửa hàng tôi thường xuyên đặt mua các mặt hàng như: gạo, bánh chưng, lạp xườn, bún ngô… Đây đều là những mặt hàng được chứng nhận OCOP của các huyện trong tỉnh nên tôi rất yên tâm về chất lượng.
Bên cạnh đầu tư, phát triển thị trường chị Mây cũng tư vấn, góp ý với các chủ cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư bao bì, mẫu mã nhằm tạo ra những sản phẩm không chỉ ngon, đặc trưng mà còn đẹp mắt có thể sử dụng làm quà biếu. Điển hình như với sản phẩm bánh khảo, chị đã đặt hàng cơ sở sản xuất giảm độ ngọt của bánh; bánh cũng được chia thành từng phần nhỏ vừa với suất ăn của 1 người và đóng gói riêng; bao bì để đựng sản phẩm được thiết kế tinh tế có in hình các danh lam, thắng cảnh của tỉnh Lạng Sơn, có mã QR code thông tin về quy trình làm bánh, ý nghĩa của loại bánh này… Như vậy, những phong bánh khảo mộc mạc bọc giấy xanh đỏ, đựng trong túi bóng trước đây đã trở nên bắt mắt hơn, phù hợp để làm quà biếu… Không chỉ bán hàng trên các nền tảng số, chị Mây còn chú trọng khâu kết nối quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội… mỗi lần tham gia hội chợ chị đều phát triển được thêm 2 hoặc 3 mối tiêu thụ hàng hóa hoặc các đơn hàng với số lượng lớn. Thông qua các nền tảng số, số lượng hàng bán ra của chị ngày càng tăng lên, 90% đơn hàng đều thông qua các nền tảng số. Hiện nay, doanh số bán hàng mỗi ngày của chị từ 7 đến hơn 10 triệu đồng, doanh thu từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp nhiều lần so với trước.
Từ cách làm thực tế của bản thân trong kinh doanh chị Mây đã xây dựng ý tưởng của mình thành dự án để tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2023 và được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về khả năng ứng dụng cũng như hiệu quả kinh tế, xã hội, dự án của chị đạt giải khuyến khích tại cuộc thi.
Ý kiến ()