Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2015
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo, nếu tận dụng tốt các cơ hội, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2015.
Dự báo, năm 2015, nhu cầu gỗ của thế giới tăng cao cộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị được ký kết sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp gỗ trong nước.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện các doanh nghiệp gỗ đang chuẩn bị những chứng nhận về xuất xứ nguồn gốc gỗ. Nhiều sản phẩm gỗ mới đang có nhu cầu lớn như: Gỗ ghép thanh, ván nhân tạo… được đầu tư sản xuất để phục vụ cho việc xuất khẩu trong năm 2015.
Đánh giá về triển vọng thị trường 2015, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong năm 2015 của Việt Nam sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2014. Cũng theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, về phương diện thị trường, các doanh nghiệp cũng không phải lo lắng vì tình trạng suy thoái của thị trường châu Âu. Các nước ở đây cũng đang đẩy mạnh việc đưa sản xuất đồ gỗ sang các nước đang phát triển.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công. Gỗ có nguồn gốc từ các quốc gia này có độ rủi ro cao, nhất là khi ngành gỗ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, từ tháng 12/2014, Việt Nam đã dừng việc tạm nhập tái xuất gỗ tròn và xẻ từ Lào và Campuchia. Đây được xem là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam gia tăng giá trị cho sản phẩm, bởi phần nguyên liệu thô nhập khẩu sẽ được đưa vào chế biến trước khi xuất khẩu.
Có thể thấy, với tốc độ phát triển liên tục (năm 2013 đạt 5,7 tỷ USD; năm 2014 là 6,4 tỷ USD); chỉ tiêu đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2020 của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam là điều khả thi.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành hàng chế biến gỗ có năng suất lao động khá cao. Bình quân mỗi lao động tạo ra 18.300USD/năm. Thêm nữa, sự phát triển của ngành hàng này cũng kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ như: Keo dán gỗ, dầu màu, vật liệu kim khí, bao bì và chèn lót, giấy nhám…
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Báo cáo “Công nghiệp nhẹ Việt Nam: Tạo việc làm và triển vọng nền kinh tế thu nhập trung bình” của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, đây là ngành có tiềm năng lớn, học hỏi nhanh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thị trường lớn và đa dạng.
Xuất phát từ thực tế trên, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa ngành hàng này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển, hướng đến mục tiêu đạt 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu/năm. Bên cạnh sự phát triển nền công nghiệp phụ trợ cho ngành chế biến gỗ, còn kích thích việc trồng rừng kinh tế, giảm dần lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Trong thời gian tới, để phát triển ngành chế biến gỗ, thiết nghĩ, cũng cần bổ sung, hoàn thiện chính sách, chiến lược sản phẩm quốc gia để có cơ chế khuyến khích đầu tư, giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận dễ hơn các nguồn tài chính, tín dụng ưu đãi; hình thành các khu hay cụm công nghiệp chế biến gỗ; khuyến khích kết nối doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước để tận dụng kinh nghiệm thị trường của các doanh nghiệp này.
Theo CPV
Ý kiến ()