Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đạt hơn 10 tỷ USD
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng TƯ ước đạt 2,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2017 đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số đó, so với cùng kỳ năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 12%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 8,2%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 12,1%.
Gia tăng mạnh nhất là ngành hàng cao su. Dù giảm 5,4% về khối lượng nhưng ngành hàng cao su lại tăng đến 66% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 4/2017 đạt 51.000 tấn với giá trị đạt 100 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 301.000 tấn và 611 triệu USD.
Bên cạnh đó, lĩnh vực hàng rau quả là ngành hàng xuất khẩu mới nhưng có sự gia tăng khá mạnh, với mức tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng Tư ước đạt 313 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hàng rau quả 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD.
Ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ duy trì là ngành hàng có đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ đầu năm đến nay. Cụ thể, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4/2017 đạt 594 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngành hàng thủy sản là lĩnh vực đóng góp lớn thứ 2 trong kim ngạch xuất khẩu toàn ngành với giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua đạt 2,1 tỷ USD tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Tư ước đạt 604 triệu USD.
Bên cạnh những ngành hàng có sự gia tăng mạnh thì một số ngành hàng vẫn duy trì đà sụt giảm từ đầu năm đến nay như ngành hàng lúa gạo giảm 7,7% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị, sắn và các sản phẩm sắn giảm 6,9% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Một số ngành hàng giảm về khối lượng nhưng lại có sự gia tăng về giá trị so với cùng kỳ năm 2016 như càphê (giảm 5,4% về khối lượng nhưng tăng 19,2% về giá trị, chè (giảm 16,6% về khối lượng nhưng tăng 10,8% về giá trị), hạt điều (giảm 13,1% về khối lượng nhưng tăng 7% về giá trị)…
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()