Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tháng 1/2015 đạt 494 triệu USD
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của nước ta ước đạt 494 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng trong tháng 1/2015, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 170 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu gỗ từ thị trường Lào chiếm tỷ trọng 26,9%, Hoa Kỳ chiếm 11,5% và Campuchia chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ được ưa thích. (Ảnh minh họa: HNV) |
Trước đó, năm 2014, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 6,21 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013. Xuất khẩu mặt hàng này sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 17,08% so với năm 2013. Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 11,1% và 15,55% so với năm 2013. Đáng chú ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2014 – chiếm 65,13% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với không ít thách thức để có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD trong năm 2015. Được biết, đến hết năm 2015, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ kết thúc đàm phán và được ký kết. Theo đó, yêu cầu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên EU phải có nguồn gốc rõ ràng. Hơn nữa, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, các sản phẩm gỗ của nước ta sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm của nhiều nước phát triển về gỗ trên thế giới. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt với chi phí sản xuất gỗ vẫn cao, đặc biệt là phí vận tải, trong đó có vận tải bằng đường thủy.
Theo CPV
Ý kiến ()