Kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục tăng
Thị trường Nhật Bản tiếp tục là bạn hàng lớn của Việt Nam và là một trong những thị trường “dễ tính” nhất trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan từ nước này.
Kim ngạch thương mại tăng 16%
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,061 tỷ USD, tăng 16,9%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 5,062 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2016, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2015.
Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản đều có xu hướng tăng. Cụ thể, hàng dệt may đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,9%; hàng thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,2%; giầy dép các loại đạt 674,8 triệu USD, tăng 12,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 654 triệu USD, tăng 25,1% so với năm 2015.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản năm 2016 đạt 15 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2015. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 2,8 tỷ USD, tăng 23,7%); linh kiện, phụ tùng ô tô (788 triệu USD, tăng 6,3%); sản phẩm từ chất dẻo (660 triệu USD, tăng 4%); vải các loại (637 triệu USD, tăng 12,3%).
Hai hiệp định thương mại lớn
Hiện Việt Nam đang có hai hiệp định thương mại (FTA) lớn với Nhật Bản gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).
AJCEP có hiệu lực vào tháng 10/2010. Theo đó, năm 2016 Việt Nam đưa 2.880 số dòng thuế về thuế suất 0% (tương đương 30% tổng biểu thuế). Năm 2018 Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 62,2% số dòng thuế, tập trung vào các mặt hàng như hóa chất, máy móc, dụng cụ, thiết bị, máy tính, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm tân dược… Đến cuối lộ trình vào năm 2025 Việt Nam cam kết xóa bỏ thêm 26,4% số dòng thuế áp dụng với các mặt hàng ô tô nguyên chiếc, phụ tùng linh kiện, máy móc thiết bị…
Về phía Nhật Bản, tính tới năm 2016, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan đối với 7.503 dòng thuế (khoảng 80%), trong đó có 817 dòng thuế sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2023 sẽ có 1.100 dòng thuế nông nghiệp được xóa bỏ. Các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam phần lớn được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Cuối năm 2023, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan với 96,45% tổng số các dòng thuế với các sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam như: Nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ…
VJEPA có hiệu lực từ 1/10/2009. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 75,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 27,5% dòng thuế. Đến năm 2019 con số này sẽ là 40,3%.
Tính đến cuối năm 2016, tổng số dòng thuế về 0% trong hiệp định VJEPA của Việt Nam là 3.234 trên tổng số 9.487 dòng thuế, chiếm 34%. Tỷ lệ này tương ứng lần lượt là 37%, 38% và 43% trong 3 năm tiếp theo.
Nhiều mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi từ FTA
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong số 29,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tới Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi cho lượng hàng hóa trị giá 5,1 tỷ USD. Tuy nhiên, tỉ lệ tận dụng ưu đãi của AJFTA và VJEPA mới đạt 35%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tận dụng ưu đãi này chưa cao là do quy tắc xuất xứ AJCEP và VJEPA được coi là “chặt” nhất trong số các FTA.
Đây cũng là FTA áp dụng quy tắc “từ vải trở đi” với ngành dệt may Việt Nam. Việc Indonesia không thông qua AJCEP khiến cho nguyên liệu nhập khẩu từ nước này không được cộng gộp trong việc tính xuất xứ cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bù lại, một số mặt hàng được cho là tận dụng rất tốt ưu đãi mà các FTA mang lại có thể kể đến như rau quả (80,4%), thủy sản (66,7%), nhựa và sản phẩm từ nhựa (85%), giày dép (81,8%).
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA chưa cao, nhưng Nhật Bản vẫn là thị trường thuận lợi nhất về mặt xác minh xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam được chấp nhận cho hưởng ưu đãi thuế quan tại nước này.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()