Kim ngạch thương mại Việt Nam- Ấn Độ hướng tới mục tiêu 7 tỷ USD
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong những năm gần đây phát triển mạnh, là một trong năm trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ. Hai nước quyết định đặt mục tiêu kinh ngạch thương mại song phương 7 tỷ USD vào năm 2015.
Hội chợ thương mại ASEAN- Ấn Độ 2013 (IABF 2013), tại New Delhi |
Ông Nguyễn Sơn Hà, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của nước ta và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2007, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ chỉ đạt 1,537 tỷ USD, nhưng trong năm 2013 đã đạt 5,237 tỷ USD, tăng 3,4 lần, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,354 tỷ USD, tăng 13,1 lần và Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 2,883 tỷ USD, tăng 2,1 lần. Ấn Độ và Việt Nam đang tăng cường quan hệ thương mại song phương bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc thúc đẩy hoạt động hợp tác pháp lý làm cơ sở để triển khai nhiều hoạt động thương mại và đầu tư.
Ấn Độ đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế kinh tế thị trường đầy đủ, hai nước cũng đã ký một loạt hiệp định, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN- Ấn Độ (AITIG) tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bàn hàng hóa giữa các doanh nghiệp của hai nước. Để khai thác lợi thế và phát huy các tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, Việt Nam và Ấn Độ chủ trương thực thi các biện pháp gồm: Tiểu ban Thương mại hỗn hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ họp định kỳ mỗi năm một lần; Thúc đẩy hoạt động của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Ấn Độ; Triển khai chương trình hợp tác và trao đổi song phương về xúc tiến thương mại, đầu tư cấp quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp; Thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm, các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ tại mỗi nước; Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đầu tư vào mỗi nước bao gồm cả khuyến khích đầu tư vào khu vực tư nhân; Hỗ trợ các doanh nghiệp mở văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty ở mỗi nước; Tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, các nhà đầu tư đi lại làm ăn, nghiên cứu cấp visa dài hạn cho các thương nhân và các nhà đầu tư; Sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa; Góp phần để các doanh nghiệp hai nước chủ động trong kinh doanh, đầu tư, tìm kiếm thị trường, mặt hàng và tìm kiếm đối tác tại mỗi nước.
Việt Nam và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 7/2007 và hai nước quyết định đặt mục tiêu kinh ngạch thương mại song phương 7 tỷ USD vào năm 2015. Và với quyết tâm của cả hai nước, mục tiêu trên nhiều khả năng thành công.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()