Kiến trúc sư “trận đồ bát quái” giữa đại ngàn Trường Sơn
Van Geirt-nhà báo nổi tiếng gốc Bỉ, từng là phóng viên kỳ cựu của hãng tin AFP (Pháp)-đã viết: “Sự đau khổ của người Mỹ bắt nguồn chủ yếu từ con đường bất khả xâm phạm này”.
“Con đường bất khả xâm phạm” nói trên chính là đường Trường Sơn-mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hệ thống chi viện chiến lược của 3 nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kiến trúc sư của con đường đặc biệt trên là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1-3-1923 / 1-3-2023), Báo Quân đội nhân dân trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài “Kiến trúc sư “trận đồ bát quái” giữa đại ngàn Trường Sơn”.
Xoay chuyển chiến lược ở chiến trường Trường Sơn
Ngay sau khi nhận quyết định là Tư lệnh Bộ tư lệnh 559 (tháng 1-1967), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã tổ chức chuyến nghiên cứu, khảo sát tình hình chiến đấu, làm nhiệm vụ của các đơn vị ở chiến trường Trường Sơn-nơi không quân Mỹ ngày đêm đánh phá gây cho ta nhiều tổn thất.
Với tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã phát hiện ra nhiều tồn tại, bất cập và đề ra các giải pháp khoa học để thay đổi căn bản công tác tổ chức chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Khảo sát chiến trường trước khi vào Bộ tư lệnh
Đại tá Phan Hữu Đại (97 tuổi), nguyên Chính ủy, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn ô tô 571 Bộ đội Trường Sơn, là cấp dưới của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gần chục năm ở Trường Sơn và thân thiết với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đến lúc tuổi già, cho hay: Sau khi bàn giao công việc Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương, ngày 15-1-1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên lên đường vào Trường Sơn. Trước khi vào Sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559, ông trực tiếp đến một số trục đường vận chuyển chính, đến các trọng điểm ác liệt nhất để khảo sát thực tế. Tới các binh trạm, ông hỏi kỹ về tình hình địch-ta, động viên bộ đội giữ vững nhuệ khí chiến đấu. Chuyến khảo sát và làm việc với cán bộ chủ chốt các cấp kéo dài 10 ngày ấy, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra một số nhận định ban đầu: Một là, việc chạy xe chủ yếu chỉ tiến hành khi trời tối, do vậy đã bỏ qua hai khoảng thời gian quý báu là lúc chiều tối và sáng sớm. Hai là, cơ quan Bộ tư lệnh và sở chỉ huy các đơn vị như công binh, phòng không… đóng quân quá xa tuyến đường, do đó đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả chỉ đạo và chỉ huy. Ba là, địch đánh phá rất ác liệt nhưng ta nắm tình hình quá chậm vì hệ thống điện đài, thông tin liên lạc bất cập. Bốn là, việc tổ chức vận chuyển chưa được đặt trong sự chỉ huy thống nhất, chưa xây dựng và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; chưa thực sự lấy vận tải cơ giới là nhiệm vụ trung tâm.
Sau này, qua nhiều lần trao đổi, làm việc với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ông Phan Hữu Đại mới biết, sở dĩ tân Tư lệnh có chuyến đi khảo sát này là bởi trước đó, vào tháng 9-1966, Quân ủy Trung ương tổ chức cuộc họp đánh giá hoạt động chi viện của Bộ tư lệnh 559 trong mùa khô 1965-1966, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì. Trên cương vị Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được mời dự cuộc họp nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao vận chuyển cơ giới của Bộ tư lệnh 559 bị tổn thất nặng nề mà kết quả không được như mong muốn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (người cầm cây chỉ bản đồ) cùng đội ngũ cán bộ bàn kế hoạch tác chiến, tháng 9-1970. Ảnh tư liệu |
Tại cuộc họp này có hai luồng ý kiến khác nhau. Một số đồng chí cho rằng, địch đánh phá quyết liệt nên chúng ta không thể vận chuyển cơ giới được mà phải lấy gùi thồ, vận chuyển thô sơ như giai đoạn trước làm chủ đạo (đây cũng là ý kiến của một số thành viên trong phiên họp trước đó của Hội đồng Chính phủ). Ý kiến thứ hai chiếm đa số: Dù địch đánh phá, ngăn chặn ác liệt, vẫn phải lấy vận tải cơ giới là chủ yếu. Vấn đề là phải tìm cho được nguyên nhân chưa thành công. Mặt khác, mới qua một mùa khô, ta chưa có nhiều kinh nghiệm, không nên vội khẳng định không thể vận chuyển bằng cơ giới. Chiến trường yêu cầu ngày càng lớn, tuyến chi viện chiến lược dài hơn 1.300km, nếu lấy gùi thồ và vận chuyển thô sơ làm phương thức vận chuyển chủ yếu thì ngay cả chỉ vận chuyển gạo cũng không nuôi nổi bộ đội làm nhiệm vụ vận chuyển, nói gì tới chi viện vũ khí và vật chất khác cho chiến trường. Ý kiến thứ hai trở thành kết luận của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là cơ sở để đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tìm cách giải quyết những vướng mắc của tuyến chi viện chiến lược.
Tư tưởng tiến công trong vận tải chiến lược
Sau những ngày không quản hiểm nguy đến các trọng điểm ác liệt kiểm tra thực địa từng tuyến đường, tận mắt quan sát mọi diễn biến “địch đánh, ta sửa ta đi”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cho rằng, đây là cách làm không khả thi. Muốn làm tốt nhiệm vụ chi viện thì trước hết Bộ tư lệnh 559 phải có đủ sức chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn do không quân và bộ binh Mỹ thực hiện. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp để vận chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa từ miền Bắc vào miền Nam an toàn, hiệu quả, hạ tuần tháng 6-1967, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên triệu tập hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô 1966-1967 của Bộ tư lệnh 559 với sự có mặt đông đủ thành phần nhất kể từ khi Đoàn 559 được thành lập.
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12, thời điểm ấy là Trưởng phòng Tổ chức, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh 559, trực tiếp phục vụ hội nghị, chia sẻ: Hội nghị được tổ chức tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vì địa điểm này nằm sát xã Hương Đô, nơi đặt Sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559 nên về sau mọi người quen gọi là “Hội nghị Hương Đô”. Tại hội nghị, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã nêu bất cập, tồn tại, nhất là nhận thấy tư tưởng tiến công chưa được định hình rõ nét trong cán bộ, chiến sĩ trên tuyến chi viện chiến lược. Thậm chí không ít cán bộ, chiến sĩ và cơ quan, đơn vị còn lấy “phòng tránh là chính” làm tư tưởng chủ đạo. Ông cho rằng phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” là một chủ trương đúng đắn, hợp với thực tiễn hoạt động những ngày đầu; đồng thời phân tích và yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải nhận thức cho đầy đủ chức năng của tuyến đường 559 trong việc thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và các nước bạn Lào, Campuchia. Phải thấy rõ đây vừa là một tuyến vận tải quân sự chiến lược, vừa là một hướng chiến trường trọng yếu, đồng thời là một căn cứ chiến lược của các chiến trường. Bởi vậy, phải “đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”.
Từ nhận định trên, với tầm nhìn xa trông rộng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đề xuất tổ chức lại lực lượng. Theo đó, đối với bộ đội cao xạ: Bố trí lại trận địa, bám sát các mục tiêu cần bảo vệ, lấy chốt ở trọng điểm là chính kết hợp với cơ động thích hợp nhằm tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ đội hình xe, bảo vệ đội hình tác nghiệp của công binh, hạn chế xác suất trúng đích của bom đạn địch, gây tổn thất của ta, đồng thời nâng cao tốc độ vận chuyển. Đối với bộ đội công binh: Phải xây dựng công sự bám trụ ở ngay trọng điểm, lấy trọng điểm làm trận địa chính. Tăng cường công cụ cải tiến, máy xúc, xe ben, thuốc nổ cho các đơn vị công binh để giảm bớt người mà vẫn mở rộng được mặt đường, thực hiện “địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe càng chạy nhanh”, đồng thời phải tích cực mở các đường tránh cục bộ ở từng trọng điểm rồi nối dần, tạo thành một tuyến song song với đường cũ. Nắm vững quy luật đánh phá của địch, lợi dụng thời tiết sương mù, mây thấp, từ lấn sáng, lấn chiều chuyển sang làm đường ban ngày là chính, ban đêm tập trung khắc phục hậu quả và ứng cứu các đội hình xe. Đối với bộ đội vận tải cơ giới: Phải chuyển sang tổ chức thành đội hình nhiều thê đội quy mô đại đội gọn, tiểu đoàn tập trung, có chỉ huy chặt chẽ, xóa cách đi tự do từng chiếc, từng tốp nhỏ. Phải xây dựng căn cứ tập kết xuất phát của các đội hình xe gần trọng điểm nhưng vẫn bảo đảm an toàn với nhiều hướng tiếp cận ra đường trục. Tận dụng sương mù và thời tiết chạy lấn sáng để tăng thời gian xe lăn bánh. Lợi dụng pháo sáng và quy luật đánh phá của địch để vượt cung, tăng chuyến, đạt hiệu suất vận chuyển cao…
Phân tích về ý nghĩa “Hội nghị Hương Đô”, Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, cho rằng: Đây là một hội nghị “vừa tổng kết, vừa mang tính chất tập huấn”. Dưới góc độ tổng kết, đội ngũ cán bộ các cấp của Bộ tư lệnh 559 đã nhận thức được đầy đủ và nhất trí với phương châm “lấy vận tải cơ giới là chủ yếu” cho dù địch đánh phá rất ác liệt, thử thách là rất lớn. Dưới góc độ tập huấn, lần đầu tiên các lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã lĩnh hội được tư tưởng chiến thuật tiến công cho các loại hình binh chủng bám trụ và hoạt động trên toàn tuyến.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1-3-1923, tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia cách mạng từ lúc 16 tuổi; giữ chức vụ Tư lệnh Bộ tư lệnh 559-Bộ tư lệnh Trường Sơn từ năm 1967 đến 1976. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Từ năm 1976, ông lần lượt giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ông là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ). Ông từ trần năm 2019. Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 2007), Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng (tháng 12-2018) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của nước ta và quốc tế. |
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()