“Kiện trời” - Cuốn tiểu thuyết của tác giả gen Z tôn vinh lòng hướng thiện
Cuốn tiểu thuyết “Kiện trời” (NXB Hội Nhà Văn, 2024) của tác giả Giai Du (sinh năm 2001) vừa được ra mắt bạn đọc với đề tài độc đáo: Khi luật trời được trao vào tay con người.
Nhìn thấy cuộc sống quanh mình chỉ toàn những điều không tốt và bản thân là nạn nhân của những lần “làm ơn mắc oán”, một anh chàng tên Thuận quyết định lên Trời để kiện Ngọc Hoàng. Trong lúc tranh cãi, gã đã thách thức Ngọc Hoàng, bảo rằng nếu bản thân được làm Ngọc Hoàng thì gã sẽ làm tốt hơn Ngài. Thế là Ngài cho hắn cơ hội được làm Ngọc Hoàng thật.
Với lý tưởng người tốt sẽ nhận lại quả tốt, khuyến khích cái thiện và bài trừ cái ác, gã phàm nhân đã từng chút một sửa đổi lại những chuyện nhiễu nhương nơi hạ giới mà gã mắt thấy tai nghe, để tất cả đi theo đúng đạo lý vốn có. Truyện kể song song 2 bối cảnh, thiên đình và hạ giới, 3 người ở hạ giới lần lượt lên trời kể lại câu chuyện của mình, 3 câu chuyện lồng ghép đan xen, vốn tưởng không liên quan nhưng lại móc nối với nhau bằng luật nhân quả. Người đọc vừa thấy toàn cảnh, vừa có thể chọn ra cho mình một cách để đánh giá.
Khi Thuận nhậm chức “quyền Thượng đế”, Thuận bắt đầu trực tiếp xử lý những vụ việc của hạ giới, thay vì kiên nhẫn tinh chỉnh lại hệ thống. Nhưng cách làm này có đúng hay không? Hậu quả là gì? Thuận đã nhận ra điều gì khi “nhậm chức” Ngọc Hoàng xử lý những nhiễu nhương trái khoáy? Liệu gã có đòi lại được những gì mà “lòng tốt” xứng đáng được nhận?
Giai Du sinh năm 2001, tốt nghiệp chuyên ngành Văn học, trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, hiện đang học Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận văn học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2023, Giai Du đã xuất bản tác phẩm văn học thiếu nhi Chiều chiều quạ nói với diều (NXB Kim Đồng). Là một tác giả trẻ, nhưng Giai Du có giọng văn không “trẻ” chút nào, và chắc chắn cực kỳ tham vọng. Với Giai Du, mỗi tác phẩm không chỉ là câu chuyện trên trang giấy, mà còn là quá trình thử thách bản thân, “muốn thử hết mọi kiểu viết và dùng hết các kỹ thuật viết” để đem đến trải nghiệm mới lạ (hoặc “dị thường”) cho độc giả và chính tác giả. Và quả thực, ở mỗi tác phẩm, độc giả sẽ thấy một Giai Du hoàn toàn mới, từ “Chiều chiều quạ nói với diều” đến “Kiện trời”, Giai Du đã tạo nên hai phong cách hoàn toàn độc lập
Sách chỉ dày 220 trang nhưng lôi cuốn bởi đa giọng kể, đa góc nhìn, chuyện của phàm nhân được kể bởi thần tiên, truyện của thần tiên được kể bởi góc nhìn phàm nhân, tác giả khiến vấn đề “thiện - ác” được tiếp cận ở một khía cạnh hoàn toàn mới, không chỉ đặt ra câu hỏi thế nào là thiện, thế nào là ác, mà còn chỉ ra rằng, con người phải đối xử thế nào với cuộc đời đầy rẫy những “thiện - ác” ấy.
Ý kiến ()