Kiện toàn tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước
Tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (gọi chung là doanh nghiệp nhà nước) có vai trò rất lớn trong xây dựng doanh nghiệp, lãnh đạo phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng thực tế, mô hình tổ chức đảng này đang có nhiều bất cập cần được đổi mới, sắp xếp phù hợp nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, nhất là trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp hiện nay.
Bài 1: Những vấn đề đặt ra
Tháng 8-2008, Ban Bí thư ban hành Quy định số 196 về tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo đó, tổ chức đảng khu vực này được sắp xếp theo hai hướng: đảng bộ toàn tập đoàn và đảng bộ công ty mẹ, công ty con. Sau sáu năm thực hiện Quy định, về cơ bản, các tổ chức đảng trong DNNN phát huy được vai trò lãnh đạo nhưng cũng có không ít vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Còn nhiều bất cập về tổ chức
Hiện tượng một đảng bộ tập đoàn, tổng công ty có tới hai đảng bộ cấp trên cơ sở, hay đảng bộ cơ sở nằm trong đảng bộ cơ sở còn khá phổ biến ở các tổ chức đảng DNNN. Theo đồng chí Nguyễn Trọng Bằng, Bí thư Ðảng ủy Công ty Tuyển than Hà Lầm (trực thuộc Ðảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam), Ðảng bộ công ty luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Ðảng ủy Tập đoàn, do đó thuận lợi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quý III năm 2014, Ðảng ủy đã lãnh đạo công ty sản xuất vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.
Cách Công ty Tuyển than Hà Lầm không xa là Công ty than Thống Nhất. Trò chuyện với cán bộ, công nhân viên của công ty, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến băn khoăn về công tác đảng. Công ty than Thống Nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, nhưng tổ chức đảng trực thuộc Ðảng bộ Than Quảng Ninh. Ðảng ủy công ty nhiều khi “khó xử” vì cả hai đảng ủy cấp trên cơ sở đều chỉ đạo, cho nên nảy sinh không ít vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, kiểm tra giám sát, nhất là ở những nội dung mà hai đảng bộ cấp trên chưa thống nhất về quan điểm chỉ đạo. Lãnh đạo công ty và cán bộ, đảng viên đều mong muốn trực thuộc một đảng ủy cấp trên lãnh đạo (Ðảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản hoặc Ðảng ủy Than Quảng Ninh).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 60 doanh nghiệp ngành than đều có tổ chức đảng, trong đó 45 tổ chức đảng trực thuộc Ðảng bộ Than Quảng Ninh; 15 đảng bộ trực thuộc Ðảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Ðỗ Thị Hoàng, sự bất cập trong mô hình tổ chức đảng của ngành than gây không ít khó khăn cho cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với việc chăm lo đời sống người lao động ngành than, giữ gìn an ninh trật tự khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan cấp trên, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết.
Có một thực tế không chỉ riêng gì Quảng Ninh, cấp ủy địa phương muốn tổ chức đảng trong doanh nghiệp trực thuộc địa phương vì có nhiều mối quan hệ và dễ phối hợp trong công tác, nhất là khi nảy sinh những phức tạp, như ô nhiễm môi trường do sản xuất gây ra. Ngược lại, đảng ủy cấp trên trong ngành lại muốn “đưa về một mối”, tức là trực thuộc đảng bộ tập đoàn, tổng công ty với lý do là dễ quản lý, dễ làm công tác cán bộ. Theo chúng tôi, nếu hoạt động của doanh nghiệp ít liên quan địa phương thì nên sắp xếp tổ chức đảng trong doanh nghiệp đó theo ngành; còn nếu hoạt động của doanh nghiệp gắn bó, liên quan nhiều đến địa phương (như ngành than) thì nên sắp xếp tổ chức đảng trong doanh nghiệp này theo hướng trực thuộc cấp ủy địa phương.
Bất cập thứ hai là đảng bộ cơ sở trực thuộc đảng bộ cơ sở cũng là tình trạng phổ biến ở một số doanh nghiệp do quá trình sắp xếp lại tổ chức đảng ở những đảng bộ tổng công ty mà doanh nghiệp là thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Trước kia, các đảng bộ này (gồm nhiều tổ chức cơ sở đảng) trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, nhưng khi sáp nhập về đảng bộ tập đoàn, tổng công ty lại trở thành đảng bộ cơ sở. Vậy là đảng bộ cơ sở trong đảng bộ cơ sở, cho nên rất khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Hơn nữa, những đảng bộ đó có số lượng đảng viên đông, có khi tới hơn 400 đồng chí, gồm nhiều đầu mối trực thuộc, hoạt động trên địa bàn rộng. Ðảng bộ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro trước đây trực thuộc Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, là đảng bộ cấp trên cơ sở, nay chuyển về trực thuộc Ðảng bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và trở thành đảng bộ cơ sở. Nhiều ý kiến đề nghị, với những mô hình tổ chức đảng như thế, vẫn giao quyền đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở thì hợp lý hơn, giúp đảng bộ phát huy tốt vai trò của mình.
Tổ chức đoàn thể, quần chúng không đồng bộ
Tổ chức đảng lãnh đạo trực tiếp các tổ chức đoàn thể quần chúng. Song tình trạng tương đối phổ biến ở các DNNN hiện nay là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên chưa đồng bộ với tổ chức đảng. Tại Công ty Tuyển than Hà Lầm, Công đoàn công ty trực thuộc Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Ðoàn Thanh niên Công ty lại trực thuộc Tỉnh đoàn Quảng Ninh. Ở Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc do chưa có công đoàn cơ sở, cho nên tổ chức công đoàn trong các DNNN trực thuộc nhiều công đoàn cấp trên khác nhau: công đoàn ngành, công đoàn lao động tỉnh, huyện… Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang trong quá trình triển khai mô hình đảng bộ toàn tập đoàn cũng gặp khó khăn trong sắp xếp tổ chức công đoàn; mới có 17 trong số 50 tổ chức công đoàn các tổng công ty lớn là thành viên Công đoàn ngành Hóa chất Việt Nam, thuộc sự lãnh đạo của Ðảng ủy tập đoàn. Vì thế, việc lãnh đạo tổ chức này mới chỉ dừng ở các tổng công ty, mà không thể chỉ đạo trực tiếp các đơn vị cấp dưới. Nhiều đoàn viên, thanh niên Công ty Tuyển than Hà Lầm tâm sự, có thời điểm cán bộ, công nhân đang tập trung cao độ cho sản xuất, thì Tỉnh đoàn phát động đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào tại địa phương, không biết xử lý ra sao.
Hiện nay, quá trình cổ phần hóa DNNN đang được chỉ đạo quyết liệt. Theo quy định, đảng ủy trực thuộc Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư có chức năng lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức, cán bộ, các đoàn thể quần chúng đối với các tổ chức trực thuộc, nhưng thực tế khó thực hiện, nhất là đối với các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Theo một cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thì vai trò của đảng ủy cấp trên cơ sở, nhất là đối với các tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm giữ phần vốn chi phối còn khó khăn hơn nhiều; tổ chức đảng khó phát huy vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, lúng túng trong công tác cán bộ. Sau cổ phần hóa, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm 22 công ty nắm giữ trên 50% cổ phần, còn lại là các công ty nắm giữ dưới 50% cổ phần và công ty liên kết. Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy Tập đoàn Nguyễn Văn Túy chia sẻ, công tác lãnh đạo, tổ chức cán bộ khó ngay từ Ðảng ủy Tập đoàn. Hiện nay, Ðảng ủy phải xây dựng hai quy chế phân cấp quản lý cán bộ, một cho những đảng ủy công ty có số vốn nhà nước sở hữu hơn 50% phần vốn chi phối và một cho các đảng ủy công ty vốn nhà nước sở hữu dưới 50% số vốn. Sau đó lại phải có quy định đối với đảng ủy trực thuộc và đảng ủy trực thuộc địa phương. Sự đan xen về tổ chức đảng cùng với sự khác nhau về sở hữu vốn nhà nước đã làm cho công tác bổ nhiệm, đào tạo, kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên trong cùng các đơn vị thuộc Ðảng ủy Tập đoàn nhưng mỗi nơi mỗi khác.
Ngoài hai mô hình theo quy định là đảng bộ toàn tập đoàn và đảng bộ công ty mẹ, công ty con, vẫn còn các mô hình đảng bộ cơ quan tập đoàn, tổng công ty; mô hình đảng bộ hội sở chính ngân hàng nhà nước… Trong mỗi mô hình, việc vận dụng, thực hiện quy định về công tác cán bộ, công tác đảng lại khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu, tổng kết để đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong DNNN là yêu cầu cấp thiết, mới có thể đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()